Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 30/3/2025

Việt Nam
* Quân đội Việt Nam cử lực lượng cứu trợ động đất đến Myanmar, dự kiến xuất phát chiều 30/3
aa
Tin 24h ngày 30/3/2025
Trận động đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Thái Lan, Myanmar (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng, sau khi được sự đồng ý của Trung ương, sẽ sẵn sàng sang hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả của trận động đất.

Đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, trưa 28/3, một trận động đất 7,7 độ xảy ra tại miền Trung Myanmar đã gây ra ít nhất 10 dư chấn, với cường độ từ 2,8 đến 7,5. Hậu quả làm hàng nghìn người chết và bị thương. Hiện tại, đã có 4 quốc gia (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Malaysia) cử lực lượng hỗ trợ Myanmar.

Trước tình hình khẩn cấp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng, sau khi được sự đồng ý của Trung ương, sẽ sẵn sàng sang hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, thành lập lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Myanmar gồm 79 quân nhân, bao gồm: Lực lượng chỉ huy, thông tin tuyên truyền, lực lượng cứu hộ (gồm lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh và lực lượng huấn luyện viên, chó nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và lực lượng quân y.

Tổng chỉ huy lực lượng là Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn. Trang thiết bị mang theo sẽ được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp, gọn nhẹ và hiệu quả, rút kinh nghiệm từ nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến, đoàn có thể xuất phát sẽ vào chiều 30/3.

Theo kế hoạch, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phối hợp với Cục Quân lực tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ; tập trung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm hàng cứu trợ cho nước bạn. Đồng thời, Cục Đối ngoại triển khai các mặt công tác hỗ trợ về thủ tục xuất, nhập cảnh; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các hãng hàng không dân dụng tổ chức đưa lực lượng làm nhiệm vụ, trang thiết bị và hàng hóa cứu trợ đến khu vực tâm chấn tại Myanmar.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, việc cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Myanmar thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quan hệ, hợp tác quốc tế.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng yêu cầu Cục Cứu hộ - Cứu nạn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, đề xuất các nội dung công việc cần triển khai, giải quyết nhanh nhất các vấn đề thủ tục và các công tác chuẩn bị, trong đó có vấn đề về vận chuyển hàng không, hàng hóa cứu trợ, bảo đảm hậu cần, thông tin liên lạc, vấn đề an toàn... để lực lượng làm nhiệm vụ có thể sớm lên đường.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, trang bị kỹ thuật, ưu tiên các phương tiện có tính lưỡng dụng, dễ cơ động, mang vác; bảo đảm tốt hậu cần, vật tư, hàng hóa, hàng viện trợ…

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng cũng lưu ý lực lượng làm nhiệm vụ chú trọng giải quyết mối quan hệ, phối hợp với các lực lượng quốc tế, chính quyền và người dân bản địa; phát huy phẩm chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và người dân Myanmar.

Với kinh nghiệm từ các hoạt động cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định rõ tinh thần, trách nhiệm và sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay khi có lệnh.

* Đoàn công tác của Bộ Công an sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trận động đất tại Myanmar

Đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm trưởng đoàn, gồm 26 cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp, khẩn cấp và cán bộ đối ngoại, phiên dịch, bác sỹ.

Đoàn mang theo 2 chó nghiệp vụ và nhiều phương tiện, dụng cụ phục vụ cứu hộ.

Hiện, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực phối hợp với các đơn vị , Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn công tác, chuẩn bị các phương tiện, điều kiện đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lên đường và sẵn sàng triển khai công tác cứu nạn cứu hộ tại hiện trường.

Dự kiến, đoàn sẽ có mặt tại Myanmar vào tối 30/3.

Trong khoảng thời gian 10 ngày, Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an sẽ tham gia tìm kiếm người, khám chữa bệnh, tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả, thiệt hại do động đất và các hoạt động khác trên thực địa theo yêu cầu của phía Myanmar, phù hợp với chuyên môn, khả năng của đoàn.

* Động đất Myanmar: Số người chết tăng đột biến, nhiều người chờ đợi cứu trợ trong tuyệt vọng

Tin 24h ngày 30/3/2025
Số người thiệt mạng do động đất tại Myanmar đã tăng lên 1.644 người. (Ảnh: AFP)

Theo báo cáo cuối ngày 29/3 của chính quyền quân sự Myanmar, số nạn nhân thiệt mạng do động đất đã tăng lên 1.644 người.

Số người thiệt mạng tăng đột biến

Trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar vào trưa 28/3, với tâm chấn cách thành phố Mandalay khoảng 20 km, đã làm rung chuyển cả khu vực, khiến đường sá nứt toác, chùa tháp cổ sụp đổ, cầu gãy và nhà cửa đổ nát... Chỉ trong vài giây, nhiều khu dân cư đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngay cả tại nhiều nước lân cận như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng có thể cảm nhận được chấn động.

Được đánh giá là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong 100 năm qua tấn công đất nước đang chìm trong nghèo đói và nội chiến, giới chuyên gia nhận định trận động đất tại Myanmar đã giải phóng năng lượng tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử.

Tính đến cuối ngày 29/3, chính quyền quân sự Myanmar đã xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh vào trưa 28/3 tăng lên 1.644 người, với gần 2.400 người bị thương.

Mô hình dự đoán của Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ ước tính số người chết ở Myanmar có thể vượt quá 10.000 người và tổn thất có thể hơn cả sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước.

Một ngày sau khi đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã đến thành phố Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề do gần tâm chấn của trận động đất, khiến các tòa nhà sụp đổ và gây ra hỏa hoạn ở một số khu vực. Ông Aung Hlaing đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ, giải quyết mọi nhu cầu cấp thiết cho người dân.

Cầu cứu trong tuyệt vọng

Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang tuyệt vọng vì không được giúp đỡ. Trận động đất xảy ra vào trưa ngày 28/3 đã ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn của Myanmar, từ đồng bằng trung tâm quanh thành phố Mandalay đến những ngọn đồi Shan ở phía đông, trong đó một số khu vực không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền quân sự.

Một người dân nói với phóng viên Reuters rằng các hoạt động cứu hộ ở Mandalay không thể sánh được với quy mô của thảm họa. "Nhiều người bị mắc kẹt nhưng không nhân được sự giúp đỡ nào chỉ vì không có nhân lực, thiết bị hoặc phương tiện".

Nhiều người sống sót ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, đã đào bới đống đổ nát bằng tay không, trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu những người vẫn còn mắc kẹt, vì thiếu máy móc hạng nặng, còn chính quyền vắng mặt.

Các tòa nhà ở nhiều khu vực bị đổ sập, đường sá cong vênh, cầu bị sập và đập vỡ. Điều này càng khiến việc di chuyển khắp đất nước trở nên khó khăn và nguy hiểm, làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ và dấy lên lo ngại rằng số người chết vẫn có thể tăng đột biến.

Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 khu vực, bao gồm Sagaing, Mandalay và thủ đô Naypyidaw.

Theo ghi nhận của phóng viên hãng Reuters, tình hình tại Myanmar đang rất nghiêm trọng. Nhiều khu vực thiếu điện, nước, nhu yếu phẩm, bên cạnh việc truyền thông và thông tin liên lạc đang là thách thức lớn, khi truy cập Internet bị gián đoạn.

Sân bay đóng cửa

Đánh giá ban đầu của chính quyền quân sự Myanmar cho biết ít nhất 2.900 tòa nhà, 30 con đường và 7 cây cầu huyết mạch đã bị hư hại do trận động đất.

Do thiệt hại đáng kể, các sân bay quốc tế Naypyitaw và Mandalay tạm thời đóng cửa. Tháp kiểm soát tại sân bay ở Naypyitaw, đã bị sập, không thể hoạt động.

Các bệnh viện ở miền trung và tây bắc Myanmar đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương không ngừng được chuyển đến - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, đồng thời cảnh báo rằng thiệt hại về đường sá đang cản trở việc tiếp cận các nạn nhân.

Cơ quan này cho biết thêm, 17 xe tải chở hàng chứa lều trú ẩn và vật tư y tế dự kiến ​​sẽ đến Mandalay vào Chủ Nhật (30/3) để giải quyết tình trạng thiếu thuốc men, bao gồm túi máu và thuốc gây mê.

Một đội cứu hộ của chính phủ Trung Quốc đã đến sân bay Yangon của Myanmar, cách Mandalay và Naypyitaw hàng trăm km, và sẽ di chuyển bằng xe tải lên vùng cao.

Reuters đã dẫn lời từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết Bắc Kinh sẽ cung cấp 13,77 triệu USD viện trợ, bao gồm lều, chăn và bộ dụng cụ y tế khẩn cấp…

Mỹ - quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với quân đội Myanmar cho biết sẽ cung cấp một số hỗ trợ.

Theo truyền thông nhà nước Myanmar, hàng cứu trợ từ Ấn Độ trên một máy bay quân sự cũng đã hạ cánh xuống Yangon, và New Delhi đang điều động các tàu chở 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến nước này.

Bên cạnh đó, Nga, Malaysia và Singapore cũng đang gửi các chuyến bay chở hàng cứu trợ và nhân sự.

Thái Lan ghi nhận thiệt hại tại 14 tỉnh

Nhà chức trách Thái Lan xác nhận 9 trường hợp tử vong, 9 trường hợp bị thương và 101 người mất tích, tính đến thời điểm này. Ngoài ra, 57 tỉnh ở Thái Lan có ghi nhận rung lắc sau trận động đất ở Myanmar.

Cơ quan chức năng nước này ghi nhận, tổng cộng có 56 dư chấn có độ lớn từ 2,8 đến 7,1 độ

Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai của Thái Lan đã chuẩn bị các nguồn lực, sẵn sàng triển khai khi được yêu cầu.

Tại Bangkok, cách tâm chấn 1.000 km, chính quyền đã đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm công nhân xây dựng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà cao 33 tầng bị sập, bằng cách sử dụng máy xúc, máy bay không người lái và chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Ước tính có khoảng 47 người mất tích hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà - bao gồm cả công nhân từ Myanmar.

Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul đã chỉ thị cho Cục trưởng Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai huy động nhân sự và thiết bị ứng phó thảm họa từ tất cả 18 trung tâm phòng chống thảm họa khu vực.

Mặc dù đang "vật lộn" với động đất, Thái Lan vẫn cử lực lượng sang hỗ trợ nước láng giềng Myanmar.

Theo tờ Nation Thailand, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan, Tướng Nattapol Nakpanich cho biết, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chỉ đạo bộ này ngay lập tức tổ chức các hoạt động viện trợ cho Myanmar.

Theo đó vào ngày 30/3, một nhóm gồm 49 quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan sẽ được cử đến Myanmar. Nhóm này sẽ bao gồm các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, nhân viên y tế cùng các vật tư y tế thiết yếu. Lực lượng trên sẽ di chuyển đến Myanmar bằng máy bay C-130 của Không quân Hoàng gia Thái Lan.

Phía Thái Lan cho biết đợt triển khai lực lượng ban đầu nhằm mục đích cung cấp cứu trợ ngay lập tức, cũng như nhằm đánh giá nhu cầu cụ thể của chính phủ Myanmar. Những thông tin này sẽ được báo cáo tới chính phủ Thái Lan, từ đó cho phép nước này xem xét khả năng tăng cường thêm hỗ trợ nếu nhận thấy cần thiết.

Trung Quốc: Hai người bị thương do ảnh hưởng từ động đất

Do ảnh hưởng từ trận động đất ở Myanmar, đã có hai người đã bị thương, một tòa nhà thì bị hư hại ở tây nam Trung Quốc.

Hậu quả động đất xảy ra ở thành phố Thụy Lệ, tây nam Trung Quốc, giáp với Myanmar. Thành phố này nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 500 km về phía bắc. Một nhân chứng đã quay được cảnh người dân chạy xuống phố tránh xa một tòa nhà cao tầng đang chìm trong những đám bụi lớn, do rung chuyển vì trận động đất. Truyền thông địa phương cho biết một số tòa nhà đã bị hư hại do các cơn chấn động.

Dư chấn sau động đất tại Myanmar có thể kéo dài nhiều tháng

Sau trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào trưa ngày 28/3, các chuyên gia dự báo rằng dư chấn sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới tại các khu vực lân cận.

Cụ thể, các dư chấn này là hậu quả của những thay đổi áp lực trong lòng đất sau cú sốc chính. Ước tính sơ bộ cho thấy khoảng 800 nghìn người tại Myanmar đang nằm trong vùng chịu tác động mạnh nhất của trận động đất. Hầu hết các trận động đất xảy ra dọc theo ranh giới giữa các mảng kiến tạo. Lớp vỏ Trái Đất do nhiều mảng kiến tạo kết lại giống như một bức tranh ghép hình. Khu vực rìa của các mảng luôn có sự dịch chuyển, nhưng một khi bị kẹt, áp lực có thể tích tụ lên tới hàng trăm năm, dẫn đến động đất và dư chấn kèm theo. Các nhà khoa học có thể xác định khu vực nào có khả năng xảy ra động đất, nhưng vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm cơn địa chấn sẽ xảy ra.

* Người phụ nữ sống sót kỳ diệu sau hơn 30 giờ mắc kẹt do động đất ở Myanmar

Trong trận động đất ở Myanmar, một người phụ nữ còn sống đã được đưa khỏi đống đổ nát một cách kỳ diệu sau hơn 30 giờ bị mắc kẹt. Nạn nhân là một trong hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi trận động đất có cường độ 7,7 đã khiến gần 1.700 người thiệt mạng.

Các nhân viên cứu hộ đã reo hò khi Phyu Lay Khaing, 30 tuổi, được đưa ra khỏi tòa chung cư Sky Villa Condo bị sập ở Mandalay, nắm tay chồng và được đưa đến bệnh viện.

"Lúc đầu, tôi không nghĩ cô ấy sẽ sống sót", chồng của Phyu Lay Khaing nói. "Tôi rất vui khi nghe tin tốt lành này".

Phyu Lay Khaing là người sống sót kỳ diệu mới nhất được tìm thấy giữa đống đổ nát của trận động đất thảm khốc hôm 28/3, trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Myanmar trong một thế kỷ.

Tính tới tối 29/3, theo Đội thông tin của Hội đồng quản lý Nhà nước Myanmar đã có tổng cộng 1.644 người thiệt mạng, 3.408 người bị thương và 139 người vẫn mất tích.

Chính quyền quân sự Myanmar đã đề cập khả năng con số thương vong sẽ tiếp tục tăng cao khi giới chức địa phương đang cập nhật mức độ tàn phá, trong khi các đội cứu hộ chạy đua với thời gian, đẩy nhanh công tác tìm kiếm và cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Tâm chấn ban đầu của trận động đất tấn công thành phố Mandalay vào khoảng 12h50 phút chiều 28/3 trước khi 5 cơn dư chấn xảy ra sau đó vài phút, dẫn tới cảnh báo đỏ nghiêm trọng về con số thương vong và thiệt hại.

Theo mô hình dự báo của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, con số thiệt mạng do thảm họa động đất ở Myanmar có thể lên tới 100.000 người.

* 6 tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu 6 tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.

Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương.

Theo dự thảo Nghị quyết này, tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất.

* “Hố tử thần” sâu 5m xuất hiện giữa quốc lộ ở Bắc Kạn

Lãnh đạo xã Kim Lư (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) thông tin, trên địa bàn thôn Hiệp Lực xuất hiện hố sụt lún lớn nằm giữa dải phân cách quốc lộ 3B. Hố sụt có chiều dài khoảng 7m, sâu 5m, chu vi khoảng 5m.

Một số người dân địa phương cho biết, vào tối 28/3, họ nghe thấy tiếng động lớn, nhưng đến sáng hôm sau mới phát hiện mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng và lập tức báo cáo với các cơ quan chức năng.

Sau khi nhận được thông tin, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND huyện Na Rì và các đơn vị chuyên môn khẩn trương có mặt tại hiện trường tiến hành cắm biển cảnh báo, đồng thời cấm phương tiện lưu thông tạm thời qua khu vực để đảm bảo an toàn.

Ông Trương Quang Trọng (Chủ tịch xã Kim Lư) cho hay, khu vực xã Kim Lư khoảng 1 tháng nay không mưa. Cách đây 2 hôm, một hố sụt nhỏ hơn xuất hiện trên cánh đồng canh tác của người dân, cách vị trí trên quốc lộ 3B khoảng 100 m.

Theo nhận định sơ bộ từ cơ quan chuyên môn, nguyên nhân sụt lún có thể xuất phát từ nền địa chất yếu, không có dấu hiệu của tác động từ con người. Tuy nhiên để có kết luận chính xác, ngành chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá hiện trạng khu vực xung quanh.

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong ngày 29/3, đơn vị tiến hành khắc phục tạm thời hố sụt để sớm khôi phục giao thông, đảm bảo việc đi lại của người dân. Các biện pháp gia cố lâu dài sẽ được triển khai sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến tại khu vực sụt lún và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Người dân khi lưu thông qua tuyến đường này cần chú ý quan sát và tuân thủ hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Huyện Na Rì có địa hình phức tạp, với nhiều núi đá vôi, thung lũng hẹp, độ dốc lớn, thuộc cánh cung Ngân Sơn. Khối núi đá vôi Kim Hỷ được đánh giá là loại địa hình caster trẻ với những đỉnh đá tai mèo, vách đứng, vực sâu, nhiều sông suối chảy ngầm, vô cùng nguy hiểm.

* Thời tiết ngày 29/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 30/3, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Nền nhiệt tại Bắc Bộ giảm sâu, phổ biến từ 12-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Khu vực Bắc Trung Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất từ 15-18 độ C. Riêng Hà Nội có lúc có mưa, trời rét, nhiệt độ dao động trong khoảng 13-15 độ C. Gió Đông Bắc hoạt động mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật cấp 7-8.

Trên biển, gió Đông Bắc tiếp tục tăng cường, tại Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 6, sáng 30/3 có lúc đạt cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, sóng cao từ 2-3 m. Ở khu vực Bắc Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, gió mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía Đông Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, gây biển động mạnh, sóng cao từ 3-5 m. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tàu thuyền trên các vùng biển.

Từ ngày 30/3 đến 2/4, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Người dân cần đề phòng gió mạnh, mưa dông và rét đậm, đặc biệt ngư dân hoạt động trên biển cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để có phương án đảm bảo an toàn.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 02/4/2025

Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh

Tin 24h ngày 1/4/2025

Trung ương xem xét đề án sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện trong tháng 4/2025

Tin 24h ngày 31/3/2025

Đoàn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam bắt đầu tìm kiếm nạn nhân tại Myanmar.

Điểm sự kiện từ ngày 24/3 đến ngày 30/3/2025

Từ ngày 24/3 đến ngày 30/3/2025, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 29/3/2025

Tin 24h ngày 29/3/2025

Tổng Bí thư: Dự kiến sau sáp nhập sẽ còn 34 tỉnh, thành và 5.000 xã, phường
Tin 24h ngày 28/3/2025

Tin 24h ngày 28/3/2025

Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị triển khai một số quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Tin 24h ngày 27/3/2025

Tin 24h ngày 27/3/2025

Vụ bé gái bị khống chế ở Bắc Ninh: Đối tượng gây án từng sử dụng ma túy
Thủ tướng Singapore kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Singapore kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Chiều tối 26/3, Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lawrence Wong và Phu nhân rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 đến 26/3, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân.
Tin 24h ngày 26/3/2025

Tin 24h ngày 26/3/2025

* Bộ Nội vụ đề xuất 11 tỉnh thành giữ nguyên không thực hiện sắp xếp sáp nhập
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographic] Sắp xếp, tinh gọn  tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở trung ương và địa phương

[Infographic] Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở trung ương và địa phương

(Theo Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, hệ thống cơ quan Thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả)
[Infographic] Phát triển chè Thái Nguyên 2025 - 2030: Nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu chè

[Infographic] Phát triển chè Thái Nguyên 2025 - 2030: Nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu chè

Chè là cây trồng mũi nhọn và cũng là thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết chuyên đề của ...
[Infographic] Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

[Infographic] Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Chỉ thị số 06/CT-UBND thể hiện quyết tâm cao của UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đột phá vào năm 2025. Chỉ thị 06 đưa ra một khung ...
[Infographics] Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025

[Infographics] Phát triển năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025

Nhằm đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban ...
[Photo] Khai mạc Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa năm 2025

[Photo] Khai mạc Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa năm 2025

Lễ hội Lồng Tồng
[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần ...
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...