Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 30/11/2024

Việt Nam
Chiều 30/11/2024, Quốc hội tiến hành họp Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
aa

Bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ bế mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (trong đó có các nội dung về: chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; về giảm thuế giá trị gia tăng).

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Sáng 30/11, tại Thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ rất cao, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử của vùng đất Cố đô, mở ra một trang phát triển mới của địa phương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Cũng như nhiều người dân khác, ông Nguyễn Anh Quân, ở phường Phú Nhuận đã thức dậy từ sáng sớm để cập nhật tin tức mới nhất về kết quả biểu quyết của Quốc hội và rất xúc động khi mong muốn và nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền địa phương bao năm nay giờ đã trở thành hiện thực, thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ sáu của Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Đức Long, ở phường Phước Vĩnh bên cạnh niềm vui mừng trước sự phát triển đi lên của quê hương cũng kỳ vọng, thành phố mới sẽ sớm sắp xếp, ổn định bộ máy hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị. Thành phố Huế cần phát huy tốt hơn nữa việc bảo tồn di sản truyền thống, gìn giữ và làm tỏa sáng một cố đô cổ kính của dân tộc, chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Đồng thời, thành phố mới cũng cần chuyển động mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển về kinh tế, xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thành phố mới sẽ có 2 quận, 3 thị xã, và 4 huyện. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành phố sẽ triển khai nghiên cứu, đề xuất tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị loại I cấp quốc gia.

Trong dòng chảy lịch sử của đất nước, thành phố Huế trực thuộc Trung ương (tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng, với vị trí nằm ở trung độ của cả nước; là nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam. Vùng đất này từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và cũng là nơi đóng đô của triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802 - 1945).

Thành phố Huế là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam, là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh và là thành viên chính thức của các mạng lưới di sản quốc tế có uy tín như: mạng lưới các đô thị châu Á, tổ chức các thành phố di sản thế giới, liên minh các thành phố lịch sử… Hiện nay, thành phố Huế còn được biết đến với các danh hiệu như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”.

Theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước, đời sống sinh hoạt của người dân, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và môi trường... Cơ cấu nền kinh tế của thành phố sẽ tác động tích cực, chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tạo điều kiện nâng cao vai trò, vị trí đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực quốc tế để xây dựng thành phố xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; khoa học và công nghệ; trung tâm y tế chuyên sâu. Điều quan trọng, đối tượng thụ hưởng đầu tiên khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương chính là người dân, bởi thành phố mới sẽ được quy hoạch đồng bộ, hướng đến môi trường đô thị hiện đại, văn minh, tiện ích và một thành phố hạnh phúc, đáng sống.

Thời tiết ngày 30/11: Bắc Bộ trời rét, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 30/11, Bắc Bộ trời rét, nền nhiệt vùng núi giảm xuống 11-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ C.

Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; Bãi cạn Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 10; Phú Quý có gió giật mạnh cấp 8-9, đêm gió giảm dần; Côn Đảo có gió giật mạnh cấp 7. Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông. Sóng biển cao 2-4,5 m.

Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau; khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Trường Sa) có Cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; đêm gió giảm dần. Sóng biển cao 3-5 m.

Ngoài ra, ngày và đêm 30/11, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Đưa việc đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan khu trưng bày sách đoạt giải. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII, năm 2024 đã được tổ chức tối 29/11, tại Hà Nội. Sự kiện do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, nhằm ghi nhận, tôn vinh đội ngũ tác giả, dịch giả, người làm công tác xuất bản cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các tác giả, dịch giả, các nhà xuất bản, đơn vị liên kết vinh dự được nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII dự chương trình.

Bước vào kỷ nguyên mới với nền tảng tri thức

Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được của đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước; chúc mừng các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành đã vinh dự được nhận Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành xuất bản đã có nhiều nỗ lực triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Giải thưởng Sách quốc gia qua 6 mùa giải đã tạo nên những dấu ấn lớn, trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, thu hút sự quan tâm của không chỉ các tác giả, nhà xuất bản, mà còn của đông đảo công chúng, bạn đọc cả nước.

Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân những tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu.

"Qua các cuốn sách, bộ sách được trao giải, chúng ta càng tự hào và trân trọng tinh thần lao động bền bỉ, khoa học, nghiêm túc, sự tâm huyết và khối lượng tri thức đồ sộ mà các tác giả, học giả, nhà xuất bản đã đem đến cho công chúng, độc giả và xã hội. Điều đó cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của nền xuất bản cách mạng trước yêu cầu mới", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để Giải thưởng Sách Quốc gia - Giải thưởng sách uy tín, danh giá nhất của đất nước ngày càng được nâng tầm, trở thành một trong những sự kiện văn hóa lớn của quốc gia; đưa việc đọc sách trở thành thói quen, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội; để ngành xuất bản thực hiện thành công nhiệm vụ “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan chức năng thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, cần xác định rõ Giải thưởng Sách Quốc gia không chỉ là việc lựa chọn, thẩm định, tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là kiến tạo môi trường lành mạnh để các nhà văn hoá, nhà khoa học, các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát huy dân chủ, tinh thần cầu thị, cởi mở trong tiếp nhận tri thức mới, văn hóa mới là vấn đề rất quan trọng, mang tính then chốt để thúc đẩy, khuyến khích, phát huy, khai phá năng lực sáng tạo của các nhà văn hoá, nhà khoa học, các tác giả và công chúng cả nước.

Cùng với đó, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân; cơ cấu Giải thưởng cần tiếp tục mở rộng các hạng mục như: Sách điện tử; sách nói; sách cẩm nang… Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các tác phẩm đoạt giải, thông qua việc tổ chức các sự kiện, hội thảo, triển lãm sách nhằm nâng cao uy tín giải thưởng, đặc biệt coi trọng truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, website chính thức và các kênh truyền hình để giải thưởng tiếp cận được nhiều người hơn, lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, xuất bản là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi biên tập viên, người làm công tác xuất bản cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu, để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vượt qua những cám dỗ, thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên từng trang sách, từng xuất bản phẩm; đóng góp công sức, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.

Trước xu thế phát triển nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, sự thay đổi hành vi tiếp cận thông tin của công chúng bạn đọc, các nhà xuất bản, nhà phát hành và những người làm xuất bản cần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, giải thưởng quốc tế. Việc đưa tác phẩm đoạt giải tham gia các lễ hội sách quốc tế, giải thưởng văn học quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Giải thưởng Sách Quốc gia, đồng thời, là động lực để các tác giả Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm sách của chính mình.

Chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người Việt Nam. Không ai khác, lĩnh vực xuất bản phải góp phần đáng kể trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng thời gian tới, lĩnh vực xuất bản sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đột phá mới. Các nhà xuất bản, đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước sẽ luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

Lan tỏa giá trị các cuốn sách

Tham gia Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII có 51/57 nhà xuất bản (tăng 10 nhà xuất bản so với giải lần thứ VI), với 372 tên/bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách (nhiều hơn 60 tên/bộ sách, 20 cuốn sách so với giải lần thứ VI). Các hạng mục được Hội đồng chung khảo lựa chọn để trao giải thuộc sáu lĩnh vực: Chính trị - kinh tế; Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi; Sách được bạn đọc yêu thích.

Theo đó, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã thống nhất trao giải cho 58 cuốn/bộ sách, trong đó 3 giải A thuộc về các tác phẩm: "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)" (2 tập) của tác giả Nguyễn Đình Tư, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; "Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa" do Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Đào Xuân Cơ (Chủ biên), Nhà xuất bản Y học; "Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập)" của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Văn học.

Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 10 giải B, 21 giải C, 21 giải Khuyến khích, 4 giải Sách được bạn đọc yêu thích cho các tác giả có tác phẩm đoạt giải. Đây là các cuốn/bộ sách được đánh giá là những tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.

Năm nay, Giải thưởng bổ sung hạng mục mới trong cơ cấu là giải Sách được bạn đọc yêu thích, do chính bạn đọc đề cử, bình chọn. Theo đó, 4 cuốn sách được trao giải thưởng này gồm: "Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" của Luis Sepúlveda, người dịch: Phương Huyên, minh họa: Bút Chì, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam; "Mùa hè không tên" của Nguyễn Nhật Ánh, Nhà xuất bản Trẻ; "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?" của Rosie Nguyễn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đơn vị liên kết: Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

Chương trình Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII được đổi mới mạnh mẽ, các tiết mục sắp xếp đan xen giữa phần trao thưởng là các video kể về câu chuyện sách, văn hóa đọc với các chủ đề: Truyền thống và hiện đại; Cống hiến và ghi nhận; Lan tỏa những giá trị. Trong đó, người trong cuộc: Bạn đọc kể những câu chuyện về Giải thưởng sách, những ảnh hưởng đến sự phát triển của xuất bản văn hóa đọc; về hành trình sáng tạo, lan tỏa những giá trị của sách, những vui buồn, mong muốn của tác giả, dịch giả, người làm sách với tác phẩm mình sáng tạo; về tâm huyết của người làm sách và mong muốn các cuốn sách được lan tỏa rộng rãi; về tình yêu sách của bạn đọc.

Dịp này, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII đã tổ chức Lễ tri ân nhằm ghi nhận, biểu dương những nỗ lực đóng góp to lớn của các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, người làm sách, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ giải, các nhà báo trong việc sáng tạo ra những tác phẩm hay, những cuốn sách có giá trị; tuyên truyền quảng bá sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tổ chức trưng bày, triển lãm những cuốn sách, bộ sách có giá trị cao, đặc biệt là những cuốn sách lý luận chính trị có giá trị quan trọng được xuất bản thời gian qua, cùng toàn bộ sách đoạt giải qua các kỳ trao Giải thưởng Sách quốc gia từ lần thứ nhất đến nay.

Tạm giữ các đối tượng dẹp đường cho đoàn xe đám cưới ở Thanh Hoá

Ngày 30/11, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hoá, đơn vị đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự vào cuộc để điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tự ý ra đường điều tiết giao thông cho đoàn xe đám cưới gây xôn xao dư luận tại Thanh Hoá vừa qua.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm giữ hình sự 4 nhân viên Công ty vệ sĩ Security có địa chỉ tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hoá. Các đối tượng gồm: Lê Kiên Quyết (sinh năm 1985; ngụ thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc); Hoàng Kim Chung (sinh năm 1996, ngụ phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa); Nguyễn Đình Dương (sinh năm 1991; ngụ xã Quảng Minh, thành phố Sầm Sơn) và La Văn Thủy (sinh năm 1985; ngụ xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân). Đây là các đối tượng đã tự ý ra đường điều tiết giao thông cho đoàn xe đám cưới đi qua, gây bất bình dư luận.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh trên tuyến Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa, một nhóm người (trong phục trang kiểu vệ sĩ) ra giữa đường điều tiết các phương tiện giao thông cho đoàn xe đám cưới đi qua. Nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp về an ninh trật tự, tạo ra những phản ứng tiêu cực trái chiều trong dư luận và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ sau một thời gian ngắn điều tra, xác minh, chiều 28/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động và Công an thành phố Thanh Hóa tiến hành khám xét trụ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn vệ sĩ Security, có địa chỉ tại đường Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa; đồng thời triệu tập các đối tượng liên quan vụ việc đến trụ sở công an để điều tra, làm rõ.

Vụ việc được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Truy tố 10 bị can trong vụ dự án Đại Ninh

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.

Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 10 bị can, trong đó cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II, Thanh tra Chính phủ) Lê Quốc Khanh; cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Cựu Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I, Văn phòng Chính phủ) Trần Bích Ngọc; cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Giang cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị can Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng, do xác định có vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận 929 kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh đúng quy định của pháp luật.

Sau khi thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh, Nguyễn Cao Trí dùng tiền và sử dụng các mối quan hệ để tác động các bị can thuộc Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; thông đồng, thỏa thuận, đưa tiền hối 1ộ, thao túng các bị can thuộc Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị can thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước nêu trên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi trái công vụ, nhiệm vụ giúp Trí thay đổi Kết luận Thanh tra số 929 từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án theo Kết luận 1033, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, theo kết quả điều tra, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (viết tắt Dự án Đại Ninh), tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án gần 3.600ha.

Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 đến 2018, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh trong quá trình thực hiện Dự án Đại Ninh có nhiều vi phạm. Theo đó, công ty không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền sử dụng đất và tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng; để người dân tái lấn chiếm; tiến độ không theo đúng cam kết. Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh.

Biết việc này, bị can Nguyễn Cao Trí thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh. Bị can Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.

Việc này khiến một số cá nhân tại Thanh tra Chính phủ thực hiện hành vi trái pháp luật khi ban hành báo cáo mới, hủy bỏ kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh. Một số cán bộ tại tỉnh Lâm Đồng thì đồng ý thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển dự án cho bị can Trí rồi đồng thuận không thu hồi dự án.

Những hành vi trên khiến dự án vốn phải thu hồi trở thành cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện, người hưởng lợi là bị can Trí. Ngoài ra, Nhà nước không thu hồi được 3.595 ha đất lòng hồ của Dự án Đại Ninh, gây lãng phí tài nguyên đất. Từ khi Dự án Đại Ninh được chấp thuận cho giãn tiến độ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai dự án, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào, tiếp tục để xảy ra 24 vụ vi phạm như phá rừng, lấn chiếm trái phép…

Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần đưa hối lộ tổng số tiền 7,05 tỉ đồng cho các bị can tại Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị can thực hiện các hành vi sai phạm, giúp Trí đạt được mục đích thay đổi Kết luận thanh tra, từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp thục thực hiện Dự án trái quy định của pháp luật.

Trong đó, Nguyễn Cao Trí đã đưa 5 lần tổng số tiền 2,1 tỉ đồng cho Trần Đức Quận; 7 lần đưa tổng số tiền 4,2 tỉ đồng cho Trần Văn Hiệp. Nguyễn Cao Trí đưa tổng số tiền 750 triệu đồng cho các bị can là thành viên Tổ công tác gồm: Lê Quốc Khanh, Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, Nguyễn Ngọc Ánh. Nguyễn Cao Trí cũng biếu cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng số tiền 200 triệu đồng; Trần Bích Ngọc được Trí biếu 50 triệu đồng.

Điện hạt nhân có thể cứu sống hàng triệu người nhờ giảm ô nhiễm không khí

Chú thích ảnh
Nhà máy hạt nhân của Pháp ở Dampierre-en-Burly. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), việc hạn chế phát triển điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl năm 1986 đã gián tiếp gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng do ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch.

Nghiên cứu cho thấy sau sự cố Chernobyl, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới gần như đình trệ. Nếu xu hướng phát triển trước đó được duy trì, riêng Mỹ có thể đã xây dựng thêm 170 lò phản ứng. Thay vào đó, hiện nay điện hạt nhân chỉ đóng góp 20% sản lượng điện của Mỹ, chủ yếu từ các lò phản ứng nước nhẹ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước.

Các nhà kinh tế ước tính mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ nhờ giảm ô nhiễm không khí. Trên toàn cầu, việc giảm 389 nhà máy điện hạt nhân sau Chernobyl đã khiến các quốc gia mất đi 318 triệu năm tuổi thọ dự kiến, trong đó riêng Mỹ mất 141 triệu năm.

So sánh với tác động của ô nhiễm không khí, các số liệu về tử vong liên quan đến điện hạt nhân thấp hơn đáng kể. Sự cố Three Mile Island ở Mỹ năm 1979 không gây thương vong, thảm họa Fukushima 2011 ở Nhật chỉ dẫn đến một ca tử vong do phóng xạ nhiều năm sau đó. Tại Chernobyl, vụ nổ lò phản ứng khiến 2 công nhân thiệt mạng và 47 nhân viên cứu hộ sau đó tử vong do phơi nhiễm phóng xạ.

Ủy ban Khoa học về Ảnh hưởng của Bức xạ Nguyên tử của Liên Hợp Quốc năm 2018 cũng xác nhận phần lớn người dân trong vùng nhiễm xạ Chernobyl "chỉ tiếp xúc với mức phóng xạ tương đương hoặc cao hơn một chút so với mức nền tự nhiên hàng năm" và "không cần lo ngại về hậu quả sức khỏe nghiêm trọng".

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Đánh giá Số liệu Y tế của Mỹ, ô nhiễm không khí gây ra 4,2-4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Riêng tại Mỹ, ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch gây ra 194.000 ca tử vong sớm, tương đương mất 5,7 triệu năm tuổi thọ hàng năm.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nếu xu hướng phát triển điện hạt nhân không bị gián đoạn sau Chernobyl, mức độ ô nhiễm không khí có thể đã thấp hơn đáng kể, mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng cho cộng đồng./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 03/01/2025

Giá vàng tăng mạnh, có nơi vàng nhẫn vượt SJC

Tin 24h ngày 2/1/2025

Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Tin 24h ngày 01/01/2025

10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Tin 24h ngày 31/12/2024

* Nhiều sự kiện Countdown trên khắp cả nước

Tin 24h ngày 30/12/2024

Bộ Nội vụ đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tin bài khác

Điểm sự kiện từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024

Điểm sự kiện từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024

Từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 29/12/2024

Tin 24h ngày 29/12/2024

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An
Tin 24h ngày 28/12/2024

Tin 24h ngày 28/12/2024

Nguồn gốc, ý nghĩa đặc biệt của ngày tết Dương lịch
Tin 24h ngày 27/12/2024

Tin 24h ngày 27/12/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hai đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta từ đêm 26 đến 28/12, khiến thời tiết trở nên rét đậm, rét hại. Đợt lạnh này có khả năng kéo dài đến đầu năm 2025, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt của người dân.
Tin 24h ngày 26/12/2024

Tin 24h ngày 26/12/2024

Thời tiết ngày 26/12: Bắc Bộ trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, rét hại:
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

[Infographics] Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần ...
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...