Hàng ngàn du khách đổ về chùa Hương ngày khai hội

Ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), hàng ngàn du khách đã đổ về Khu Di tích thắng cảnh

Tin 24h ngày 27/1/2023
Công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực trong và xung quanh lễ hội luôn được chú trọng nhằm bảo vệ an toàn, tạo thuận lợi cho du khách về tham quan, chiêm bái.

Hương Sơn đúng ngày khai mạc Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023.

Năm nay, lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày 23/1 đến 23/4 (từ mồng 2 tháng Giêng đến hết ngày mồng 4 tháng ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Trong sáng 27/1, hàng ngàn người đã đổ về chùa Hương đi lễ đầu năm. Sau một thời gian hoạt động lễ hội diễn ra cầm chừng do ảnh hưởng của đại dịch, mùa lễ hội năm nay được dự đoán sẽ đón số lượng du khách đông đột biến. Từ 5 giờ sáng ngày 27/1, các bến đò luôn tấp nập dòng người ra vào đổ về chùa Hương. Dòng người hành hương, di chuyển trên suối Yến tấp nập. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực trong và xung quanh lễ hội luôn được chú trọng nhằm bảo vệ an toàn, tạo thuận lợi cho du khách về tham quan, chiêm bái. Điểm nổi bật của lễ hội chùa Hương năm 2023 là Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang điện tử. Cùng với đó, Ban tổ chức triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ nhu cầu tham quan, vãn cảnh của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Tết trồng cây Xuân Quý Mão

Sáng 27/1 (tức mồng 6 tháng Giêng), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại Khu Di tích K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.

Tin 24h ngày 27/1/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9.

* Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Khu Di tích K9 - Đá Chông, một địa điểm lịch sử đặc biệt gắn liền với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và thế giới; Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Thủ tướng và các đại biểu nguyện phấn đấu học tập, làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tin 24h ngày 27/1/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích K9.

Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Quý Mão 2023, do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội tổ chức.

Đây là hoạt động cấp quốc gia mở đầu cho lễ phát động đồng loạt Tết trồng cây trong cả nước nhằm triển khai thực hiện chương trình "Vì một Việt Nam xanh" trong năm 2023 với mục tiêu trồng mới 22,5 triệu cây xanh.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây 64 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân hưởng ứng tháng trồng cây "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều", “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây”. Từ đó đến nay, "Tết trồng cây” trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta trong dịp Tết đến, Xuân về.

Theo Thủ tướng, thực hiện di nguyện của Bác, 64 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chương trình trồng, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng triệu héc ta rừng, hàng trăm triệu cây xanh đã được trồng trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào việc giảm nhẹ thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Độ che phủ rừng của nước ta đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022; hấp thụ được trên 70 triệu tấn CO2.

Tin 24h ngày 27/1/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Thủ tướng cho rằng, việc trồng cây không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học mà còn là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nguồn lợi to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết thực hiện lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

“Điều này, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và suy giảm các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng, ghi nhận và biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị có nhiều sáng kiến, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả với những thông điệp hết sức cụ thể như: “Góp 1 cây để có rừng”, “Một triệu cây xanh cho Việt Nam”, “Hành động vì một Việt Nam xanh”, “Chung tay xanh hóa học đường”, “Lì xì hạt giống”, “Thêm cây, thêm sự sống”…

Để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, các cháu học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, người Việt Nam và các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam hãy hăng hái tham gia trồng cây ngay từ những ngày đầu xuân và cả năm; vì một Việt Nam xanh, an toàn, phát triển bền vững.

Thủ tướng tin tưởng, phong trào “Tết trồng cây” năm 2023 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, như di nguyện thiêng liêng của Bác Hồ.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao cây tượng trưng cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đã trồng 3.000 cây xanh trên tổng diện tích 3.5 ha tại Khu Di tích K9 - Đá Chông.

Facebook sẽ mở lại tài khoản cho cựu Tổng thống Trump

Meta – công ty mẹ của Facebook – thông báo sẽ mở lại tài khoản Facebook và Instagram cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau 2 năm ông bị cấm sử dụng các mạng xã hội này. Tuy nhiên, Meta nhấn mạnh công ty sẽ tạo các quy định nghiêm cấm mới cho tài khoản của ông Trump để ngăn chặn hanh vi tái phạm. Trước đó, ông Trump bị khoá các tài khoản Facebook, Instagram với cáo buộc ông kích động vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào năm 2021. Ngày 25/1, Meta cho biết sau khi nhận thấy không còn rủi ro nghiêm trọng đối với an toàn công cộng, công ty có thể mở lại các tài khoản của ông Trump nhưng kèm theo một vài lưu ý. “Chúng tôi sẽ khôi phục tài khoản Facebook và Instagram của ông Trump trong vài tuần tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ mới nhằm ngăn chặn các hành vi tái phạm”, Meta nhấn mạnh nếu vi phạm, ông Trump có thể phải đối mặt với các hình phạt nặng hơn. Theo chính sách mới của Meta, nếu ông Trump tiếp tục vi phạm về nội dung, tài khoản của ông sẽ bị khoá từ một tháng đến hai năm. Theo đài NBC, ông Trump gần đây đã đệ đơn yêu cầu Meta tìm cách khôi phục tài khoản của mình, vài tuần sau khi tuyên bố kế hoạch tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông cho rằng lệnh cấm Facebook đã “bóp méo và ức chế công chúng một cách đáng kể”, cũng như yêu cầu một cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Mặc dù không rõ liệu cuộc họp đó có diễn ra hay không, nhưng trong tuyên bố thông báo kết thúc việc khoá tài khoản của ông Trump, Meta thừa nhận họ không muốn cản trở cuộc tranh luận cởi mở, công khai và dân chủ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ứng viên Donald Trump đã sử dụng rất nhiều trang mạng xã hội để vận động và giành chiến thắng. Sau khi đắc cử, ông tiếp tục sử dụng tài khoản Twitter cá nhân để đưa ra các thông báo chính thức. Mặc dù tài khoản Twitter của ông bị khoá sau vụ bạo động ở Điện Capitol nhưng tháng 11/2022, Twitter đã mở lại tài khoản sau khi nhà tỷ phú Elon Musk tiếp quản công ty. Mặc dù vị cựu tổng thống này chưa đăng bất kỳ bài viết nào trên tài khoản Twitter vừa được khôi phục, song một nguồn tin thân cận với ông nói với NBC rằng các cố vấn chiến dịch tranh cử của ông hiện lên ý tưởng cho nội dung các bài viết trở lại trên nền tảng.

Mỹ công bố biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, coi Wagner là 'tổ chức tội phạm xuyên quốc gia'

Ngày 26/1, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới đối với Nga, liệt công ty quân sự tư nhân (PMC) - Tập đoàn Wagner - vào danh sách “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng”. Theo Đài RT của Nga ngày 27/1, PMC do doanh nhân người Nga Yevgeny Prigozhin thành lập và Mỹ dã cáo buộc PMC đã tham gia vào “một mô hình hoạt động tội phạm nghiêm trọng đang diễn ra” ở cả Ukraine, nơi PMC đang chiến đấu với quân đội Nga và một số quốc gia châu Phi. Đài RT dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm Tập đoàn Wagner đã đặt ra một “mối đe dọa xuyên lục địa” và PMC “đã tham gia vào các hoạt động chiến đấu do Điện Kremlin hậu thuẫn trên khắp thế giới”, bao gồm cả nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như hoạt động “can thiệp và gây bất ổn cho các quốc gia ở châu Phi” như Cộng hòa Trung Phi và Mali. Ngoài Tập đoàn Wagner, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 thực thể và 6 cá nhân khác, bao gồm cả những người mà họ nghi ngờ hỗ trợ các hoạt động của PMC. Trong số các công ty bị nhắm đến trong đợt trừng phạt này có Công ty Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Changsha Tianyi, một công ty Trung Quốc mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã cung cấp hình ảnh vệ tinh phục vụ hoạt động chiến đấu của tập đoàn Wagner tại Ukraine. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt chi nhánh của công ty này tại Luxembourg. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với công ty hàng không Kratol có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bị cáo buộc cung cấp máy bay cho tập đoàn Wagner để di chuyển nhân sự và thiết bị giữa Cộng hòa Trung Phi, Libya và Mali. Trong số các cá nhân bị nhắm đến trong đợt trừng phạt này có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov và người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov cùng phu nhân Gulsina Minnikhanova... Trong một phát biểu đưa ra trên tài khoản Twitter chính thức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ làm suy giảm khả năng tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine của Nga và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với hành vi lạm dụng bằng cách trừng phạt những người hỗ trợ các hoạt động của Tập đoàn Wagner trên toàn thế giới, các nhà sản xuất vũ khí của Nga…

Dự kiến cuối tháng 3 đóng cửa sân bay Điện Biên

Tin từ Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dự kiến cuối tháng 3/2023, ACV sẽ đóng cửa sân bay trong khoảng thời gian từ 6-7 tháng để triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Cụ thể, tháng 6/2023, hoàn thành thi công giai đoạn 2 công trình hàng rào an ninh. Tháng 12/2023 sẽ hoàn thành công trình đường cất hạ cánh (CHC), đường lăn, sân đỗ máy bay. Đối với công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, lãnh đạo ACV cho biết: Tháng 3/2023 hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng gói thầu số 30 “Thi công xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ” và gói thầu 34 “Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ”. Tháng 4/2023, tiến hành khởi công trước khi hoàn thành vào tháng 12/2023. Liên quan đến các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, lãnh đạo ACV cho hay: Hiện tại, một số vị trí chưa thi công được do chưa giải phóng xong mặt bằng; một số vị trí khi thi công chặn đường dân sinh và hệ thống kênh mương tưới tiêu của dân nên người dân cản trở, không cho thi công. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ chung của dự án. Cùng với đó, nguồn vật liệu cho thi công dự án (đất đắp, cát) hiện tại rất hạn chế, không đủ trữ lượng cho việc thi công dự án. Thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu mới đòi hỏi phải có thời gian. Chính vì vậy cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo kế hoạch, ACV kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như sớm hoàn thành các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh (đường đi lại, hệ thống tưới tiêu), tránh để người dân cản trở việc thi công xây dựng công trình. Doanh nghiệp này cũng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên có phương án bổ sung các nguồn vật liệu nhằm đảm bảo đủ trữ lượng, khả năng cung cấp cho dự án triển khai đúng tiến độ.

Lào là quốc gia ASEAN đầu tiên đạt chứng nhận đào tạo hộ sinh quốc tế

Truyền thông Lào đưa tin Chương trình Giáo dục hộ sinh của ICM dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về đào tạo và kiểm định ngành hộ sinh, với mục đích là đánh giá các chương trình đào tạo hộ sinh trước khi gia nhập theo các tiêu chuẩn toàn cầu của ICM. Vào nửa cuối năm 2022, sau chuyến thăm tới 3 khoa thuộc các trường cao đẳng y tế của các tỉnh là Champasak, Luang Prabang và Xiengkhouang, ICM đánh giá các trường trên đã đáp ứng 35/37 tiêu chí của ICM, chỉ có 2 tiêu chí đáp ứng một phần. Tiến sĩ Bounfeng Phoummalaysith, Bộ trưởng Bộ Y tế Lào, chúc mừng các trường đã nỗ lực để đạt được sự công nhận về giáo dục hộ sinh theo Chương trình Chứng nhận giáo dục hộ sinh. Trước đó, các trường nêu trên đã nhận được chứng nhận cấp quốc gia và hiện mục tiêu đạt được MEAP của các trường cũng đã hoàn thành. MEAP sẽ giúp đảm bảo tính nhất quán trong đào tạo hộ sinh và xác định các phương thức thực hành tốt nhất cũng như những thiếu sót cho các đối tác, người thực hiện nhằm cung cấp hỗ trợ tập trung, hiệu quả và bền vững hơn cho đào tạo hộ sinh chất lượng cao. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, đã hỗ trợ Chương trình Hộ sinh Lào từ năm 2009. Là một phần của sự hỗ trợ, UNFPA cũng đã giúp chuẩn bị cho các trung tâm đào tạo hộ sinh xuất sắc đầy triển vọng theo tiêu chuẩn quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phout Simmalavong, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, cho biết 3 trường cao đẳng đã nỗ lực hết sức để vượt qua tất cả các tiêu chí đánh giá: quản lý, tập thể sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên, đánh giá, thiết bị và cơ sở vật chất và địa điểm thực tập lâm sàng. Ông nói thêm: “Việc công nhận tiêu chuẩn giảng dạy hộ sinh ở Lào không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo mà còn là để thể hiện kết quả của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường.” Bà Mariam A. Khan, đại diện UNFPA, cho biết UNFPA rất vui mừng được hỗ trợ để đạt được kết quả thành công này cho việc đào tạo hộ sinh ở Lào. Nghiên cứu mới nhất cho thấy một nữ hộ sinh được đào tạo bài bản, được tiếp cận các thiết bị cần thiết và kết nối với mạng lưới dịch vụ y tế, có thể đáp ứng hơn 80% các yêu cầu về sức khỏe bà mẹ. Nữ hộ sinh rất cần thiết cho những nỗ lực của Lào nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở thai phụ.

Miền Bắc, miền Trung rét đậm rét hại, có nơi dưới 3 độ C

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 27/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại, nhiệt độ phổ biến từ 8 - 11 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5 - 8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế trời rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13 - 15 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 27/1, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9 - 10, biển động mạnh. Dự báo đêm 27 và ngày 28/1, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5, giật cấp 6 - 7. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 8 - 11 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5 - 8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế trời rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13 - 15 độ C. Trên biển, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9 - 10, sóng biển cao 4 - 6 m, biển động mạnh; Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2 - 3,5m; khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau sóng biển cao 4 - 6 m; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi sóng biển cao 3 - 5 m. Cụ thể, đêm 27 và ngày 28/1, vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất từ 6 - 9 độ C, có nơi dưới 4 độ C, nhiệt độ trung bình từ 11 - 14 độ C, có nơi dưới 11 độ C. Các nơi khác ở Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất 9 - 12 độ C, nhiệt độ trung bình từ 13 - 15 độ C. Bắc Trung Bộ nhiệt độ thấp nhất 11 - 14 độ C, nhiệt độ trunhg bình 13 - 15 độ C. Từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế nhiệt độ thấp nhất 15 - 17 độ C, nhiệt độ trung bình 17 - 19 độ C. Đêm 28 và ngày 29/1, vùng núi Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất 5 - 8 độ C, có nơi dưới 3 độ C, nhiệt độ trung bình 11 - 14 độ C, có nơi dưới 11 độ C. Các nơi khác ở Bắc Bộ nhiệt độ thấp nhất 8 - 11 độ C, nhiệt độ trung bình 12 - 15 độ C. Bắc Trung Bộ nhiệt độ thấp nhất 9 - 12 độ C, nhiệt độ trung bình 13 - 15 độ C. Từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế nhiệt độ thấp nhất 13 - 15 độ C, nhiệt độ trung bình từ 16 - 18 độ C. Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm đêm 27 - 28/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ đêm 27 - 30/1, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Hà Nội: Kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sau hai năm không tổ chức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục được tổ chức theo nghi thức truyền thống địa phương, gồm phần lễ và phần hội, diễn ra vào các ngày 27, 28, 29/1/2023 (tức các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão). Theo Ban tổ chức, Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bao gồm lễ dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền. Vào ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung (danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi).

Triều Tiên đối mặt với khó khăn kép: dịch bệnh và thời tiết giá lạnh

Mùa đông năm nay, Triều Tiên phải đối mặt với thời tiết giá rét và nguy cơ dịch bệnh hô hấp. Một đợt lạnh và tuyết rơi dày đã quét qua Đông Bắc châu Á trong tuần này. Nhiệt độ giảm sâu và tình trạng băng giá đã gây ra hỗn loạn ở Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến các chuyến bay phải tạm hoãn, giao thông đình trệ và có trường hợp tử vong. Thành phố cực Bắc của Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt -53 độ C trong tuần này. Cơ quan khí tượng nhà nước của Triều Tiên cũng cảnh báo về đợt lạnh cực độ trong tuần này và dự đoán đây là “đợt giá rét khắc nghiệt nhất trong 23 năm qua”. Nhiệt độ ở thủ đô Bình Nhưỡng dự kiến giảm xuống -19 độ C, nhưng ở các khu vực phía Bắc, nhiệt độ có thể xuống thấp tới -30 độ C. Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên kêu gọi thực hiện “các biện pháp để ngăn chặn thiệt hại trong nông nghiệp, sản xuất điện, quản lý đô thị, giao thông vận tải và các lĩnh vực kinh tế khác”, đồng thời nhắc nhở người dân chăm sóc sức khỏe. Dịch COVID-19 còn tăng thêm những thách thức vào mùa đông ở Triều Tiên. Đề cập đến nguy cơ bệnh hô hấp tăng cao vào mùa đông, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuần này đưa tin công tác chống dịch khẩn cấp là ưu tiên hàng đầu của đất nước. Triều Tiên đã ra lệnh phong tỏa 5 ngày tại thủ đô Bình Nhưỡng cho đến 29/1, với lý do lây lan bệnh hô hấp không xác định. Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng đã đăng một bức ảnh về thông báo này trên trang Facebook của mình.

Phát hiện nhiều ngôi mộ cổ thuộc thời kỳ Old Kingdom tại Ai Cập

Theo phóng viên báo chí tại Cairo, các phát hiện mới này nằm ở khu vực được biết đến với tên gọi “Gisr El-Mudir”, phía Tây kim tự tháp nổi tiếng ở Saqqara - Kim tự tháp của Vua Djoser. Phát hiện quan trọng nhất thuộc về ngôi mộ của Khnumdjedef, một người giám sát các quý tộc và một linh mục tại khu phức hợp kim tự tháp Unas, vị Pharaoh cuối cùng của Vương triều thứ năm (trị vì trong khoảng từ 15 đến 30 năm vào giai đoạn giữa thế kỷ thứ 24 trước Công nguyên). Trưởng đoàn khảo cổ Ai Cập, Tiến sĩ Zahi Hawass cho biết ngôi mộ này được trang trí bằng những hình ảnh mô phỏng các sinh hoạt hằng ngày của người Ai Cập cổ đại. Ngôi mộ lớn thứ hai được cho là thuộc về Meri, người giữ bí mật và trợ lý của Pharaoh Unas. Ngoài ra, ngôi mộ của một linh mục cũng đã được phát hiện cùng với 9 bức tượng mô tả một người đàn ông cùng vợ và một số người hầu. Theo ông Hawass, vài tháng sau những phát hiện ban đầu, phái đoàn khảo cổ Ai Cập đã tìm thấy một cánh cửa giả gần địa điểm tìm thấy các bức tượng. Trên cánh cửa giả này có khắc tên Messi, người có thể là chủ nhân của 9 bức tượng nói trên. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 3 bức tượng khác mô phỏng một người đàn ông đang đứng, người vợ đang ôm một bên chân của người này và cô con gái đang ôm một con ngỗng. Tiến sĩ Hawass cho biết thêm một đường hầm sâu 15 m đã được phát hiện cùng với một chiếc quan tài lớn hình chữ nhật bằng đá vôi. Chữ khắc trên chiếc quan tài tiết lộ tên của chủ nhân là Hekashepes. Kết quả kiểm tra cho thấy quan tàu này được niêm phong hoàn toàn bằng vữa, giống như cách người Ai Cập cổ đại bảo quản xác ướp cách đây 4.300 năm. Xác ướp đựng trong quan tài là của một người đàn ông được phủ đầy những lá vàng. Theo ông Hawass, phát hiện này có thể là “xác ướp lâu đời và hoàn chỉnh nhất được tìm thấy tại Ai Cập cho đến nay”. Ngoài ra, nhiều bình đá cũng được tìm thấy xung quanh chiếc quan tài.

Tấn công vũ trang nhằm vào Đại sứ quán Azerbaijan tại Iran gây nhiều thương vong

Tin 24h ngày 27/1/2023
Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Azerbaijan tại Tehran, Iran.

Theo hãng tin Al Jazeera, ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết cảnh vệ của Đại sứ quán nước này tại Iran đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vũ trang. Ngoài ra, còn có nhiều người bị thương. Hiện cơ quan chức năng sở tại đang điều tra vụ tấn công.