Tin 24h ngày 13/11/2024
Quốc hội quyết định chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công năm 2025. |
Theo đó, Quốc hội quyết nghị số thu ngân sách nhà nước là hơn 1.966.839 tỉ đồng. Sử dụng 60.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và 50.619 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỉ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỉ đồng, tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỉ đồng, tương đương 3,6%GDP; bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỉ đồng, tương đương 0,2%GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỉ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết định chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương.
Cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế.
Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền. Thực hiện trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Bổ sung dự toán thu ngân sách Trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam là 2.115 triệu đồng chi sự nghiệp quản lý hành chính; Bộ Giao thông Vận tải là 567 triệu đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; UBND tỉnh Quảng Bình là 18.602 triệu đồng chi sự nghiệp kinh tế.
Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài năm 2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như sau: Giảm 54.004 triệu đồng chi sự nghiệp kinh tế; tăng 40.513 triệu đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; tăng 12.740 triệu đồng, chi sự nghiệp bảo đảm xã hội; tăng 751 triệu đồng, chi sự nghiệp khoa học công nghệ.
Điều chỉnh tăng 360.245 triệu đồng vốn vay lại nước ngoài năm 2024 cho 7 địa phương; đồng thời điều chỉnh giảm 406.035 triệu đồng dự toán vốn vay lại nước ngoài năm 2024 của 12 địa phương.
Bổ sung dự toán thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức thu là 118.591 triệu đồng, trong đó: số nộp ngân sách trung ương năm 2024 là 75.341 triệu đồng; số thu phí để lại cho Bộ Công Thương là 43.250 triệu đồng.
Giao Chính phủ bổ sung dự toán chi cho Bộ Công Thương từ nguồn thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lại năm 2024 là 43.250 triệu đồng để chi cho nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Phát hiện nhiều kho hàng giả sát biên giới, livestream bán khắp cả nước
Số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp |
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2024.
Theo báo cáo trên, trong 10 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế từ ngày 15-12-2023 đến 14-10-2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỉ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỉ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỉ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỉ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỉ đồng (tăng 11%).
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp.
Trong đó, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Đáng lo ngại, hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.
Đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật (như Temu, Shein, 1688), Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) và thông qua thực tiễn kiểm tra, rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xâm phạm lợi ích của nhà nước lãnh án 30 tháng tù
Ông Nguyễn Văn Nhơn bị tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. |
Ngày 13-11, TAND thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho biết vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Văn Nhơn (68 tuổi, ngụ tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt 30 tháng tù giam đối với bị cáo Nhơn.
Như PLO đã đưa tin, trong khoảng thời gian từ tháng 5-2023 đến tháng 4-2024, lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân, ông Nguyễn Văn Nhơn đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân mang tên “Cao Tuổi Bản Tin” để chia sẻ nhiều bài viết, quay, phát tán nội dung mang tính phản cảm, bôi nhọ các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước và lãnh đạo địa phương.
Hành vi này không chỉ xúc phạm uy tín của các tổ chức, cá nhân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
'Nghiện' mua sắm, đi khám mới biết bị tâm thần
Một năm nay, người phụ nữ 35 tuổi, ở Hà Nội thay đổi tính tình. Mỗi ngày, chị đặt mua nhiều đồ, có thời điểm đặt cả chục món hàng nhưng không nhớ đã mua gì. Đặc biệt, khi thấy mất hứng thú với cuộc sống, chị lại bắt đầu mua sắm, thích cảm giác tiêu tiền, nhưng sau mỗi lần nhận hàng, chị lại tỏ ra ân hận.
Gần đây, thay vì tự mình nhận hàng, chị đặt “ship” đến địa chỉ công ty nơi chồng làm việc nhờ nhận hộ. Vợ mua sắm vượt quá khả năng tài chính, người chồng thường xuyên phải trả nợ thay. Khi bị ngăn cản, người phụ nữ có biểu hiện bị kích thích, mất bình tĩnh, cả hai dẫn đến xung đột.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, qua thăm khám, sau khi loại trừ các triệu chứng khác, người phụ nữ được chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Mỗi lần hưng cảm, người này lại vui vẻ và thích mua sắm, yêu đời. Sau đó, họ lại cảm thấy u uất, buồn bã, nghĩ tiêu cực và chán nản.
Chứng nghiện mua sắm không phải hiếm gặp. Nhiều trường hợp "nghiện" mua sắm trực tiếp, trực tuyến, gây tổn thất tài chính đáng kể và ảnh hưởng tới công việc.
Việc nghiện mua sắm ban đầu có thể là sở thích để giải tỏa căng thẳng, dần dẫn tới trạng thái say. Một số người mua rất nhiều, dù không có nhu cầu dùng và vượt quá khả năng chi tiêu của bản thân. Nhiều người mua trước trả sau, trả góp nên rơi vào cảnh nợ nần.
Với những người nghiện mua sắm thông thường, bác sĩ giúp họ thay đổi hành vi, tái cấu trúc việc chi trả tài chính. Với trường hợp có rối loạn cảm xúc, trầm cảm đi kèm, bác sĩ can thiệp bằng các phương pháp chuyên khoa.
Người bệnh bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường có biểu hiện như vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch say sưa, liên tục, gây ồn ào và phiền toái cho những người xung quanh.
Một số trường hợp nói nhiều, nói to, trò chuyện lan man mọi chủ đề, ngôn từ đùa cợt, chơi chữ. Nếu bệnh nhân tức giận, cuộc nói chuyện có thể theo hướng đả kích, bi kịch hóa. Người bệnh không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài. Do đó, họ thường can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào, nói chuyện quá to hoặc di chuyển đồ đạc trong phòng.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực không được điều trị kịp thời có thể gây hậu quả tâm lý xã hội đáng kể cho người bệnh và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, nghề nghiệp, gia đình. Người bệnh có tỷ lệ ly dị gấp 2-3 lần và suy giảm chức năng nghề nghiệp gấp 2 lần so với người không mắc, chất lượng cuộc sống kém đi đáng kể.
Khi chứng rối loạn mua sắm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, gia đình, người bệnh nên tới chuyên khoa sức khỏe tâm thần để khám và được tư vấn hướng điều trị.
Giá vàng nhẫn trơn rớt xuống 79 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 99,99 chưa dừng đà giảm mạnh, tiếp tục đi xuống trong bối cảnh giá thế giới vẫn lao dốc.
Sáng 13-11, Công ty vàng SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng, giảm thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Giá vàng miếng giảm ngày thứ 3 liên tiếp, mất tổng cộng gần 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức các loại rớt mạnh hơn. Công ty vàng SJC giao dịch giá vàng nhẫn trơn mua vào 79,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,2 triệu đồng/lượng, giảm thêm 800.000 đồng mỗi lượng. Trong vòng 3 ngày nay, giá vàng nhẫn mất tới 2,7 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn có sự cách biệt đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Công ty PNJ niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 80,8 triệu đồng/lượng, bán ra 82,4 triệu đồng/lượng; Tập đoàn DOJI bán ra vàng nhẫn trơn 83,2 triệu đồng/lượng trong khi Công ty Bảo Tín Minh Châu bán ra 83,12 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng và vàng nhẫn được các doanh nghiệp duy trì ở mức cao từ 3-3,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng lần đầu rớt khỏi mốc 80 triệu đồng/lượng trong 3 tháng qua. Với mức chênh lệch này khiến những người có ý định lướt sóng vàng đều bỏ cuộc.
Giá vàng trong nước giảm liên tiếp do ảnh hưởng từ đà rớt mạnh của thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay có thời điểm rớt sâu khỏi mốc 2.600 USD/ounce, về sát 2.590 USD/ounce. Đến 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 2.610 USD/ounce, tăng trở lại so với mức đáy của phiên nhưng vẫn giảm khoảng 15 USD/ounce so với phiên trước.
Bệnh viện Bạch Mai thông báo người bệnh đến nhận tiền bồi hoàn
Bệnh viện Bạch Mai vừa phát đi thông báo bồi hoàn tiền cho người bệnh đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên hệ thống O-arm tại khoa chấn thương chỉnh hình và cột sống.
Bệnh viện Bạch Mai vừa mới đưa ra thông báo về việc mời người bệnh đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên hệ thống O-arm tại Khoa Chấn thương chỉnh hình & Cột sống từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2020 đến nhận tiền bồi hoàn.
Thực hiện Công văn số 2563/CV-CSKT-P3 ngày 16/10/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công An về việc đề nghị Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và xử lý vật chứng liên quan đến vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện Đề án liên doanh, liên kết lắp đặt máy O-arm và hệ thống định vị phẫu thuật Navigation của Công ty Cổ phần Công nghệ kỹ thuật Bình An tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp nhận số tiền do các đối tượng liên quan tự nguyện nộp khắc phục hậu quả và hoàn trả cho người bệnh đã sử dụng dịch vụ liên quan.
Do đó, Bệnh viện xin thông báo tới tất cả người bệnh đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên hệ thống O-arm tại Khoa Chấn thương chỉnh hình & Cột sống, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2020 đến Bệnh viện nhận lại tiền bồi hoàn theo qui định.
Thời gian hoàn trả từ ngày thông báo đến hết ngày 31/3/2025.
Tàu SE7 trật bánh ở Hà Tĩnh, tuyến đường sắt Bắc-Nam ách tắc
Dự kiến trong chiều tối nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam thông tuyến. |
Sau khi tàu SE7 bị trật bánh khỏi đường ray, nhiều hành khách đã được di chuyển bằng ô tô đến ga mới.
Chiều 13/11, ngành Đường sắt đang phối hợp nhiều đơn vị khác triển khai công tác cứu hộ tàu SE7 sau khi xảy ra sự cố trật bánh. Hành khách trên tàu SE7 đã được xe ô tô hỗ trợ di chuyển về khu vực ga Chu Lễ (huyện Hương Khê).
Thông tin ban đầu, khoảng 14h cùng ngày (13/11), tàu khách SE7 đang trên hành trình từ ga Hà Nội đi ga Sài Gòn, khi đến Km378+400 tuyến đường sắt Bắc – Nam, cách ga Chu Lễ 2km thì xảy ra sự cố trật bánh khỏi đường ray.
Tại hiện trường, 2 trục bánh của toa số 8 tàu SE7 bị trật khỏi đường ray. Đoàn tàu gặp sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam qua Hà Tĩnh ách tắc.
Hồi đầu tháng 11/2024, tại TP Đà Nẵng cũng xảy ra sự cố tàu hỏa khiến 3 toa bị lật khỏi đường ray.
Theo đó, lúc 21h10 ngày 1/11, tàu ASY2 kéo 20 toa xe tải trọng 840,7 tấn đi vào đường số 1 ga Hải Vân Nam (TP Đà Nẵng). Đến km771+800, trục bánh xe của một số toa xe văng ra khỏi đường sắt, làm container trên 2 toa xe bị lật đổ vào đường số 2, còn container trên một toa xe khác bị đổ nghiêng 45 độ về bên trái theo hướng tàu chạy.
Đến chiều 2/11, lực lượng chức năng đã khắc phục xong sự cố, tuyến đường sắt Bắc-Nam được lưu thông./.