Tin 24h ngày 1/11/2024
Khu vực thường chịu ảnh hưởng bởi dư chấn của động đất ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. |
Sáng 1/11, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 10/2024, tiếp tục xảy ra 63 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.1, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, Kon Tum.
Số liệu cập nhật của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho thấy trong tổng số 63 trận động đất xảy ra trong tháng Mười, có tới 60 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trong đó một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: Ngày 5/10 xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 4.1; ngày 12/10 xảy ra 6 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.8; ngày 14/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.4; ngày 22/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.8 đến 3.5; đáng chú ý nhất là ngày 7/10 xảy ra 10 trận liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 3.5.
3 trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam vào ngày 12/10, với độ lớn từ 2.6 đến 2.9.
Như vậy so với tháng 9/2024 (cả nước xảy ra 36 trận động đất, trong đó có tới 32 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), tần suất động đất xảy ra trong tháng Mười trên cả nước đã tăng gần gấp đôi (tăng 27 trận).
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho hay các trận động đất tại Kon Plong trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cũng nhận định động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.
Theo quy định về “quy chế phòng, chống động đất, sóng thần,” ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
* Kết quả kiểm tra nho sữa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam
Cục Bảo vệ thực vật vừa thông tin về kết quả giám sát nho Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc trong năm nay, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm ATTP (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam. Còn năm 2023, kiểm tra 77 mẫu phát hiện 1 mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.
Liên quan đến tin tức kết quả kiểm tra nho sữa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp và FDA Thái Lan sẽ xem xét, áp dụng phương thức kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục trao đổi thông tin ở các kênh cảnh báo về an toàn thực phẩm quốc tế để đánh giá nguy cơ đối với nho của Trung Quốc.
* Giá vàng nhẫn, vàng miếng SJC sáng 1/11 'hạ nhiệt'
Cùng với xu hướng hạ nhiệt của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn, vàng miếng trong nước sáng 1/11 đều được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 55 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 88,25 - 89,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 87,4 - 89,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tượng tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 87,5 - 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vẫn niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 88 - 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, phiên 31/10, giá vàng thế giới đi xuống, sau khi chạm mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, nhu cầu trú ẩn an toàn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã giúp vàng ghi nhận tháng tăng giá thứ tư liên tiếp.Vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 1/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống còn 2.740,45 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao kỷ lục 2.790,15 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn chốt phiên giảm 1,8% xuống 2.749,3 USD/ounce. Giá vàng đã tăng khoảng 4% trong tháng này.
Ông David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của công ty môi giới giao dịch hàng hóa High Ridge Futures, cho biết giá vàng chững lại trong phiên này vì có nhiều nhà đầu tư chốt lời, trong bối cảnh sẽ có nhiều sự kiện quan trọng tác động đến thị trường vàng vào tuần tới, đó là cuộc bầu cử của Mỹ vào ngày 5/11 và cuộc họp của Fed vào các ngày 5-6/11.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Rhona O'Connell của công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhu cầu vàng vẫn đang được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản như tình hình căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về kết quả bầu cử, khiến thị trường duy trì trạng thái "mua vào khi giá giảm".
Ngoài ra, số liệu cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,2% trong tháng Chín sau khi tăng 0,1% trong tháng 8, giống với dự đoán của giới chuyên gia.
* Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới mở cửa ngày 1-11, vào tham quan miễn phí
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan. |
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chính thức mở cửa phục vụ người dân và du khách từ ngày mai 1-11.
Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng phòng tuyên truyền - giáo dục bảo tàng, cho biết bảo tàng bắt đầu mở cửa từ ngày 1-11 và miễn phí vé vào đến hết năm 2024.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới nằm cạnh đại lộ Thăng Long, thuộc hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đó, trong đợt mở cửa đầu tiên (giai đoạn 1) bảo tàng sẽ trưng bày 6 chủ đề theo tiến trình lịch sử từ buổi đầu dựng nước và giữ nước cho đến thời kỳ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến ngày nay.
Bảo tàng mới sẽ sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ, như 3D mapping hay phim 3D vào trưng bày.
Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật.
Trong đó có bốn bảo vật quốc gia gồm 2 máy bay MIG-21 số hiệu 4324, 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Các hiện vật máy bay, xe tăng và nhiều loại khí tài lớn thu được trong các cuộc kháng chiến, gắn bó với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng sẽ được trưng bày ở hai khu vực quảng trường với diện tích hơn 20.000m2.
Bảo tàng cũng được triển khai phần mềm thuyết minh tự động, không cần hướng dẫn viên. Khách tham quan sẽ sử dụng một phương tiện có thể nghe được toàn bộ những phần thuyết minh cũng như các thông tin về tài liệu, hiện vật được trưng bày.
Công trình Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được xây dựng trên khu đất rộng 38,66ha với tòa nhà chính 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2, diện tích sàn khoảng 64.640m2, diện tích trưng bày trong nhà 17.750m2, diện tích trưng bày ngoài 118.054m2.
Ngoài ra còn có hệ thống sân, đường, bãi đỗ xe, bể cảnh quan, cây xanh, hệ thống thiết bị điện tử, điện dân dụng, phòng cháy chữa cháy hiện đại được xây dựng đồng bộ.
* Thời tiết hôm nay (1-11): Không khí lạnh tăng cường
Thời tiết hôm nay (1-11): Không khí lạnh tăng cường. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1-11, bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Khoảng chiều tối và đêm 1-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.
Trong đợt không khí lạnh này, ở khu vực Bắc Bộ thời tiết ít thay đổi. Từ đêm 1-11, ở Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 18-21 độ C, vùng núi 15-18 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 15 độ C; ở Thanh Hoá - Nghệ An nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-23 độ C.
Dự báo chi tiết cho các khu vực:
Phía Tây Bắc Bộ: Ít mây, đêm không mưa, ngày nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ: Ít mây, đêm không mưa, ngày nắng; gió Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.
Thủ đô Hà Nội: Ít mây, đêm không mưa, ngày nắng; gió Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-32 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Phía Bắc ít mây, đêm không mưa, ngày nắng; phía Nam có mây, đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận: Có mây, mưa rào và dông vài nơi, riêng phía Nam chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Phía Bắc gió Đông Bắc đến Bắc, phía Nam gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, riêng phía Nam có nơi hơn 32 độ C.
Khu vực Tây Nguyên: Có mây, mưa rào và dông vài nơi, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi hơn 30 độ C.
Khu vực Nam Bộ: Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.
* Lũ lụt tại Tây Ban Nha: Số người thiệt mạng tăng lên gần 160
Ôtô bị cuốn trôi chồng lên nhau trên phố sau lũ quét tại Valencia, Tây Ban Nha ngày 30/10. |
Ngày 28/10 vừa qua, lượng mưa tương đương của một năm đã trút xuống một số khu vực của Valencia và đây bị xem là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong lịch sử hiện đại.
Giới chức Tây Ban Nha cho biết ngày 31/10, số người thiệt mạng do lũ quét ở miền Đông nước này đã tăng lên 158 người. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hàng chục người mất tích trong thảm họa tồi tệ nhất liên quan đến bão tại châu Âu trong hơn 5 thập kỷ qua.
Lũ lụt đã tàn phá cơ sở hạ tầng thành phố Valencia, cuốn trôi cầu, đường và đường ray xe lửa, đồng thời nhấn chìm đất nông nghiệp ở một khu vực trồng các loại cây có múi chính tại Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Oscar Puente cho biết khoảng 80km đường ở khu vực phía Đông đã bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc không thể đi qua. Nhiều tuyến đường bị chặn bởi những chiếc ôtô bị bỏ lại.
Theo quan chức này, sẽ mất 2-3 tuần để thể thiết lập lại kết nối tàu cao tốc giữa Valencia và thủ đô Madrid.
Khi đến thăm một trung tâm điều phối cứu hộ gần thành phố Valencia, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi người dân ở nhà do nguy cơ vẫn còn giông bão.
Tại thị trấn nông thôn Utiel chịu ảnh hưởng nặng nề, cách đất liền khoảng 85km, sông Magro đã vỡ bờ, khiến nước tràn vào các ngôi nhà chủ yếu là một tầng, với mực nước lên tới 3m.
Thị trưởng Utiel, Ricardo Gabaldon, xác nhận ít nhất 6 người đã thiệt mạng tại đây, hầu hết là người già hoặc người khuyết tật do không thể trèo lên nơi an toàn.
Ngày 28/10 vừa qua, lượng mưa tương đương của một năm đã trút xuống một số khu vực của Valencia. Đây bị xem là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất của Tây Ban Nha trong lịch sử hiện đại.
Các nhà khí tượng học nhận định biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy xảy ra thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn.
* Núi Phú Sĩ (Nhật Bản) phá kỷ lục 130 năm chưa có tuyết
Núi Phú Sĩ lần đầu tiên trong 130 năm chưa có tuyết vào cuối tháng 10, báo hiệu tác động của khủng hoảng khí hậu tại Nhật Bản.
Đỉnh núi cao nhất Nhật Bản thường được phủ tuyết từ đầu tháng 10, nhưng đến nay, đỉnh Phú Sĩ vẫn trơ trọi, gây lo ngại về tác động của khủng hoảng khí hậu đối với một trong những danh lam thắng cảnh được yêu thích nhất của đất nước Mặt trời mọc.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, những năm trước, tuyết thường xuất hiện trên núi Phú Sĩ vào ngày 2/10. Tuy nhiên, mùa hè nóng kỷ lục và thời tiết bất thường đã khiến nhiệt độ ấm áp kéo dài, ngăn tuyết rơi trên đỉnh núi.
Năm nay, Văn phòng khí tượng địa phương Kofu, đơn vị ghi nhận tuyết đầu mùa trên Phú Sĩ từ năm 1894, chưa công bố bất kỳ dấu hiệu nào về tuyết rơi, do thời tiết ấm áp bất thường. Ông Shinichi Yanagi, một quan chức khí tượng tại Kofu, cho biết: "Do nhiệt độ cao kéo dài từ mùa hè và những trận mưa liên tiếp, không có ột chút tuyết nào xuất hiện trên đỉnh núi".
Nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 cao hơn 1,76 độ C so với mức bình thường, phá kỷ lục trước đó là 1,08 độ C vào năm 2010. Nhiệt độ cao bất thường vẫn kéo dài đến mùa thu, khi có ít nhất 74 thành phố ghi nhận mức nhiệt 30 độ C hoặc cao hơn trong tuần đầu tháng 10, theo phân tích từ tổ chức Climate Central.
Không chỉ Nhật Bản mà toàn cầu cũng ghi nhận một mùa hè nóng kỷ lục lần thứ 2 liên tiếp, với năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất lịch sử. Nhiệt độ tăng cao không chỉ do hiện tượng tự nhiên El Niño mà còn do các yếu tố nhân tạo như khí thải từ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Đỉnh núi Phú Sĩ, cao 3.776 mét, nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Thông thường, núi Phú Sĩ có tuyết phủ gần như suốt năm, thu hút hàng triệu du khách đến leo núi và ngắm Mặt trời mọc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng du lịch quá tải đã gây ra nhiều vấn đề về rác thải, quá tải hạ tầng và an toàn.
Trước tình hình này, Nhật Bản đã áp dụng thuế du lịch và các quy định mới nhằm quản lý lượng khách. Giờ đây, du khách phải trả 2.000 yên (khoảng 12,40 USD) mỗi người, với giới hạn tối đa 4.000 du khách mỗi ngày./.