Tin 24h ngày 10/9/2024
Mưa lũ gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại nhiều địa phương
Phú Thọ: Gần 3.600 hộ dân phải di dời do ngập lụt
Hiện, hàng trăm hộ dân huyện Cẩm Khê đã bị cô lập do nước dâng cao. |
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa to kèm theo gió lốc mạnh. Tại xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa), mực nước trên sông Hồng đã vượt trên báo động III là 2,69 m, nước sông đang tiếp tục lên. Mưa giông kèm nước từ thượng nguồn đổ về đã làm mực nước các sông lên cao, khiến nhiều hộ dân bị ngập, thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, mưa to kèm dông lốc đã làm 1 người chết do sạt lở đất ở huyện Hạ Hòa; 2 người bị thương; gần 300 ngôi nhà, trường học bị hư hỏng, tốc mái; gần 3.590 hộ dân phải di dời do ngập lụt; trên 3.070 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị gãy, đổ; 28 lồng cá bị hư hỏng; 47 cột điện hạ thế bị gãy; hơn 30 trường học, trụ sở cơ quan bị hư hỏng, tốc mái… Mưa bão đã làm 26.500 m3 đất tại các tuyến đường giao thông sạt lở. Đặc biệt, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập lúc 10 giờ ngày 9/9, sơ bộ xác định còn 8 người mất tích. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 100 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, ngày 10/9, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm ở một số nội dung, trong đó thông tin tuyên truyền phải kịp thời, chính xác, không để lan truyền tin giả, tin sai sự thật khiến người dân hoang mang. Các cơ quan thông tấn báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến từng cơ sở, người dân.
Đối với tình trạng nguy cấp của hồ Thác Bà, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nắm bắt tình hình, phương án xử lý của Chính phủ để thông báo kịp thời. Đồng thời chủ động thông báo tình hình cho nhân dân các huyện ven sông để người dân có thể chủ động di dời tài sản, con người đến nơi an toàn. Ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn cho người dân. Công tác triển khai di dời và đảm bảo sinh hoạt cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ phải được thực hiện song song.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, các địa phương bị ngập lụt phải kiên quyết sơ tán, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có phương án hỗ trợ nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống cho Nhân dân. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đến từng khu dân cư và mỗi người dân trong việc phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, kịp thời động viên, thăm hỏi các gia đình nạn nhân mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu và bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt.
Hà Giang ước tổng thiệt hại gần 32 tỷ đồng do mưa lũ
Ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết: Tính đến tối 10/9, mưa lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ước tổng thiệt hại 31,8 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. |
Từ đêm 8 đến tối 10/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to kèm theo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương. Mưa lũ đã khiến 2 người chết, cụ thể: Nạn nhân là cháu G.T.C (sinh năm 2021, trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc). Theo chính quyền địa phương, bố và mẹ cháu đi làm công nhân ở xa, cháu ở nhà với ông bà. Sáng sớm 9/9, cháu cùng với các bạn trên đường đi học. Khi đi qua khu vực suối ở thôn Hấu Chua, cháu G.T.C không may bị trượt chân nên đã bị nước lũ cuốn trôi.
Nạn nhân thứ hai trong đợt mưa lũ ở Hà Giang này rất thương tâm là cháu C.T.Á.T, 6 tháng tuổi (sinh năm 2024, thường trú ở thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, do một lượng lớn đất đá trên đồi sạt lở xuống làm sập nhà hoàn toàn vào chiều tối ngày 9/9, đến nay vẫn chưa tìm thấy. Một người bị thương nặng là cháu Xin Thị Hoài (sinh năm 2020 thường trú thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì) đã được các lực lượng chức năng cứu hộ thành công trong vụ sạt lở đất.
Đợt mưa lớn kèm theo lũ trong 3 ngày qua, Hà Giang có 940 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 56 ngôi nhà phải di rời khẩn cấp, 198 nhà bị sạt lở, 7 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 97 nhà bị tốc mái và 570 nhà bị sạt lở đất, ngập úng. Mưa lũ cũng đã khiến gần 1.300 ha lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Hàng nghìn con gia súc, gia cầm của bà con bị chết, lũ cuốn trôi.
Nhiều tuyến kênh mương cũng đã bị đất đá vùi lấp hư hỏng nặng không sử dụng được. Đặc biệt, mưa lũ trong 3 ngày qua cũng đã khiến hàng nghìn m3 đất đá tràn sạt lở tràn xuống các tuyến đường giao thông huyết mạch của các địa phương.
Tại các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, do mưa lũ đến bất ngờ đã khiến nhiều trường mầm non, tiểu học bị ngập úng. Nhiều cột điện ở các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì bị gãy đổ. Hàng trăm thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh, máy giặt bị ngập nước khiến hư hỏng hoàn toàn…
Mưa lũ khiến nhiều ngôi nhà của người dân ở huyện Hoàng Su Phì bị sạt lở đất đá, đổ tường nhà. |
Hiện nay tại một số địa phương trời vẫn tiếp tục đổ mưa, mực nước trên các sông Lô, sông Gâm và các con suối vẫn duy trì ở mức cao. Nhiều tuyến đường bị sạt lở khiến giao thông vẫn chưa thể đi lại được… nên công tác khắc phục mưa lũ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Với phương châm “nước rút đến đâu, khẩn trương giúp dân vệ sinh, dọn dẹp nhanh đến đó", trong những ngày qua, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang và lực lượng dân quân tự vệ các địa phương đã tập trung cao độ hỗ trợ các địa phương tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Sở Giao thông Vận tải Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, đá để có phương án xử lý và phân luồng giao thông. Đồng thời bố trí lực lượng trực gác hướng dẫn giao thông tại các vị trí nguy hiểm để người tham gia giao thông được an toàn. Khẩn trương triển khai công tác khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hót dọn sạt lở taluy dương, đất bùn tràn mặt đường, đặt biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Ninh Bình chủ động ứng phó với mưa lũ
Ngày 10/9, UBND tỉnh Ninh Bình phát đi công điện số 23/CĐ - UBND về việc tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ. Tỉnh đưa ra cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm: Mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp.
Lãnh đạo huyện Nho Quan chỉ đạo công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đê điều tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan. |
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai một số nội dung: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến và tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các tổ chức và người dân có hoạt động trên sông, ven sông, bãi sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc biết để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản; Nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện; Tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút...
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành đảm bảo chủ động khi có sự cố xảy ra.
Lãnh đạo huyện Nho Quan chỉ đạo công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đê điều tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan. |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, yêu cầu các chủ phương tiện tổ chức neo đậu đúng nơi quy định, đảm bảo hành lang thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên các tuyến sông...
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh rà soát, thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và cho vùng hạ du. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực Ninh Bình đảm bảo an toàn, liên tục, kịp thời điện bơm tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt...
Thái Nguyên: Nỗ lực hỗ trợ người dân vùng ngập lũ
Nhiều hộ dân của thành phố Thái Nguyên đang ngập sâu trong nước lũ, trong hai đêm, lực lượng chức năng tỉnh đã di dời gần 10.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Xuồng cứu hộ của lực lượng chức năng đi sâu vào vùng ngập lũ |
Nhiều địa phương ở Thái Nguyên như phường: Chùa Hang, Đầm Bầu, Túc Duyên, Hoàng Văn Thụ, Quang Vinh... đang ngập sâu do lũ lớn.
Người dân phường Quang Vinh đang kẹt trong nhà do nước ngập sâu |
Ghi nhận của phóng viên tại địa bàn phường Quang Vinh, tỉnh Thái Nguyên, sáng 10/9, nhiều hộ dân đang ngập sâu trong nước lũ. Các lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đang tích cực hỗ trợ người dân.
Nước ngập gần hết tầng 1 của các ngôi nhà tại tổ 5, phường Quang Vinh |
Các lực lượng chức năng vận chuyển lương thực, nước uống cho người dân vùng lũ tại Thái Nguyên |
Cùng lên xuồng cứu hộ với chúng tôi để đi vào khu vực đang ngập sâu, ông Trần Xuân Sơn, Bí thư Chi bộ Tổ 6, phường Quang Vinh cho biết, gia đình ông hiện có cả người lớn, trẻ em kẹt trong nhà do mưa lũ, nhưng thức ăn, đồ uống được đưa vào đầy đủ. Sáng sớm ông lên xuồng ra khu vực không ngập nước để liên lạc với lực lượng chức năng và quay trở về nhà.
Trạm y tế phường Quang Vinh ngập sâu trong nước |
Trường THCS Quang Vinh trong nước lũ |
Sốt ruột vì có người nhà mắc kẹt trong Tổ dân phố 6, anh Anh Tuấn (cùng ngồi trên xuồng cứu hộ) cũng cho biết, đã nhờ lực lượng chức năng đưa vào nhà người thân do không liên lạc được với mọi người trong gia đình.
Ông Trần Xuân Sơn, Bí thư Chi bộ Tổ 6, phường Quang Vinh trèo vào nhà từ xuồng cứu hộ |
Chỉ huy chiếc xuồng cứu hộ, Trung tá Thân Văn Tuyến, Phòng Tham mưu Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 cho biết, trong quá trình cứu hộ, do điều kiện nước lớn và chảy xiết, địa hình nhiều ngõ ngách nên lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn xong vẫn cố gắng từng giờ vì bà con. Đơn vị sẽ làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo an toàn cho người dân.
Đón trẻ em từ ngôi nhà ngập sâu trong lũ tại Thái Nguyên |
Đưa trẻ em ra khỏi vùng ngập nước |
Sau khi được đưa lên xuồng để đưa ra khỏi vùng ngập lũ, chị Phạm Thu Trang, Tổ 7, phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Tôi chưa từng chứng kiến cơn lũ nào mà nước ngập lớn như thế. Nhà tôi cấp 4 nên khi nước bắt đầu ngập vào nhà là vợ chồng tôi đã kê đồ đạc lên rất cao, hạn chế thiệt hại".
Hai mẹ con chị Phạm Thu Trang, Tổ 7, phường Quang Vinh được đón lên xuồng cứu hộ |
Chị Thu Trang cho biết, khi nước dâng lên cao, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực đi đến từng gia đình sâu trong ngõ gần đê để đưa người già, trẻ nhỏ về nơi an toàn.
Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên trao đổi thông tin với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ |
Chỉ huy công tác cứu trợ tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi ưu tiên di chuyển người già, trẻ em, phụ nữ, và những người ở thấp tầng. Đồng thời khuyến cáo và động viên nhân dân ở nhà cao tầng, để lực lượng chức năng tiến hành di chuyển sau, đồng thời cung cấp đồ ăn, nhu yếu phẩm thiết yếu".
Nhiều ô tô ngập sâu trong nước lũ |
Trong hai đêm vừa qua, đã có khoảng trên 10.000 người dân được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều khu vực nước chảy siết, lực lượng chức năng phải kéo dây níu xuồng |
Tại điểm tập kết thiết bị cứu hộ, cứu nạn, các chiến sĩ công an, bộ đội và lực lượng cứu hộ đều căng mình trong mưa lũ hỗ trợ người dân gặp nạn.
Ngay khi nhận được thông tin về mưa lũ và ngập lụt nghiêm trọng, các lực lượng chức năng tại thành phố Thái Nguyên đã lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội, cùng các tình nguyện viên đã nỗ lực suốt nhiều giờ liền sơ tán người dân, hỗ trợ vận chuyển tài sản, đồ đạc đến những nơi an toàn.
Nhiều khu vực bị ngập sâu, việc tiếp cận vô cùng khó khăn, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn cố gắng vượt qua dòng nước lũ xiết để hỗ trợ bà con.
Ngập lụt tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên |
Không chỉ dừng lại ở việc cứu hộ khẩn cấp, các lực lượng chức năng còn tổ chức các đoàn công tác để phân phát lương thực, thực phẩm, nước uống cho những hộ gia đình bị cô lập bởi lũ. Nhiều nơi nước vẫn chưa rút, người dân phải sống trong cảnh thiếu thốn giữa cơn lũ, nhưng tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ kịp thời đã giúp bà con vững tinh thần, vượt qua những giờ phút khó khăn nhất.
Người dân mong tin người thân đang trong khu vực ngập do ảnh hưởng của lũ |
Theo báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 3 (từ ngày 6/9 đến ngày 9/9/2024) trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to kèm dông, lốc; mưa to từ thượng lưu kết hợp mưa lớn trong khu vực tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập lụt tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy lúc 03h00' ngày 10/9/2024 đạt đỉnh lũ là 2.881 cm (cao hơn mức báo động III là 181 cm và cao hơn 67 cm so với đỉnh lũ lịch sử xảy ra ngày 02/7/1959), tại Trạm thủy văn Chã là 966 cm (cao hơn mức báo động II là 66 cm) làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo số liệu rà soát, báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên, tính đến 07h00' ngày 10/9, có một số phường, xã trên địa bàn tỉnh bị ngập úng và trên 5.000 hộ dân phải di dời; trên 206 nhà dân bị tốc mái; 44 điểm trường bị ngập, tốc mái; trên 3.000 ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; nhiều trang trại bị ngập, thiệt hại; 31 điểm sạt lở.
Hiện nay, do tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp nên các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Cấm người đi bộ và phương tiện qua cầu Đuống từ 22 giờ ngày 10/9
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thông báo cấm toàn bộ người và các loại phương tiện di chuyển cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống từ 22 giờ tối ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đi qua cầu Đuống cũng đã tạm dừng chạy tàu.
Cấm toàn bộ người và các loại phương tiện di chuyển cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống từ 22 giờ tối ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức |
Về phương án phân luồng tại chỗ, các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua cầu Đuống đi theo các hướng sau: Hướng đi từ Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 179 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì và ngược lại.
Hướng đi từ Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 295 - Quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại. Hướng đi từ Ngô Gia Tự - Quốc lộ 5 – Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa - Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại. Hướng đi từ Ngô Gia Tự - Quốc lộ 5 - Vành đai 3 - đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.
Đối với phân luồng từ xa, người dân di chuyển theo các hướng: Hướng đi từ cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hoặc Quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại. Hướng đi từ Quốc lộ 5 - Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa - Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Cục đường sắt Việt Nam chỉ đạo Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo cấm phương tiện và hệ thống biển chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện tại 2 đầu cầu Đuống (trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm). Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị Phòng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn, tránh gây ùn tắc.
Đồng thời theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên tuyến đường, nút giao…
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải cũng cấm các phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long bên phải tuyến từ Km7+00 (lối vào nút giao hầm chui đường sắt) đến Km10+350 (lối ra nút giao Khu đô thị An Khánh); từ Km20+00 (lối vào nút giao Tỉnh lộ 80) đến Km28+300 (lối ra nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc).
Phía trái tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, các phương tiện không được di chuyển từ Km16+500 (lối vào nút giao Cầu vượt Sài Sơn) đến Km7+00 (lối ra nút giao Hầm chui đường sắt); từ Km28+300 (lối vào nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc) đến Km20+00 (lối ra nút giao Tỉnh lộ 80).
Về phương án phân luồng giao thông trên đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long tại các lý trình (phải tuyến: Km7+00 – Km10+350, Km20+00 – Km28+300; trái tuyến: Km16+500 – Km7+00, Km28+300 – Km20+00), Sở Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả các ô tô lưu thông hạn chế tốc độ tối đa cho phép 60km/h. Xe buýt được phép lưu thông trên đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long với tốc độ tối đa cho phép 60 km/h.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức giao thông cho các phương tiện xe máy, xe thô sơ được phép lưu thông trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc đại lộ Thăng Long, tốc độ tối đa cho phép 40 km/h.
Thời gian phân luồng, điều chỉnh giao thông bắt đầu từ 9 giờ ngày 10/9 đến khi có thông báo thay thế.
Từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử năm 1968; tại Phú Thọ lên mức báo động 2. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,70 m, trên báo động 3 là 1,70 m vào đêm 10/9 sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21 m, trên mức báo động 3 là 0,50 m vào sáng 11/9, sau đó xuống; lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3.
Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2. Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh lên mức báo động 2.
Cảnh báo, trong đêm 10/9 đến chiều 11/9, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 3.
Nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng, thấp tại các quận, huyện của Yên Bái (Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu; Bắc Giang (thành phố Bắc Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam); Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên); Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, Yên Phong); Phú Thọ (Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao); Tuyên Quang (Hàm Yên, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang); Hà Nội (Bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm; Ninh Bình (Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình).
Theo ông Vũ Đức Long, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Dự báo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong khoảng từ đêm 10/9 đến ngày 11/9, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ có thể lên mức báo động 2, vì thế, những khu vực ven sông như Phúc Xá, Phúc Tân, Bồ Đề, sẽ có thể bị ngập sâu.
Ông Vũ Đức Long cũng cảnh báo tác động của lũ lên trên các sông, suối gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng - Thái Bình. Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng - Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng - Thái Bình.