Thưởng 6 tỷ cho giải pháp chống tắc đường ở Hà Nội: Thêm một điểm tắc
Hà Nội chính thức “treo thưởng” tổng cộng 6 tỷ đồng cho người tìm ra phương án hiệu quả chống ùn tắc giao thông. Hãy khoan nói về số tiền thưởng này ít hay nhiều mà
Bài toán tắc đường ở Hà Nội đặt ra đã nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải thỏa đáng. Còn nhớ, một vị lãnh đạo cấp Sở của Hà Nội đã từng nói rằng, Hà Nội tắc đường là do nhiều người thích mua ô tô cho… oai. Câu nói này cho thấy, việc giải quyết tắc đường ở Hà Nội đang tắc ở... tư duy. Chính vì vậy, m
uốn kéo giảm tắc đường ở Hà Nội trước hết phải “thông” từ tư duy quản lý. Nếu vẫn còn quản lý theo nhiệm kỳ, theo cái lợi của từng nhóm người, giải quyết phần ngọn thì tình trạng tắc đường ngày càng thêm nan giải.
Đơn cử, chuyện xây các chung cư cao tầng trong nội đô Hà Nội, ai cũng thấy là bất hợp lý. Nhưng cả nhà quản lý và doanh nghiệp đầu tư đều tìm thấy cái lợi riêng của mình ở những mảnh đất vàng nên dù khó khăn đến mấy, vấp phải không ít dư luận phản đối nhưng họ vẫn quyết tâm làm.
Trở lại câu chuyện treo thưởng để giải quyết tắc đường ở Hà Nội, thoạt đầu thì thấy đó là cách làm dân chủ, cởi mở, sáng tạo nhưng xem ra lại chưa ổn. Bởi lẽ, Hà Nội và đất nước này đã phải trả bao nhiêu tiền để nuôi các nhà qui hoạch, các kỹ sư giao thông, các kiến trúc sư đô thị và mời không biết bao nhiêu nhà tư vấn nước ngoài mà tắc vẫn hoàn tắc. Việc treo thưởng cho người tìm ra giải pháp hay lại thể hiện một sự bế tắc trong sử dụng nguồn nhân lực, trong cách giải quyết vấn đề.
Giả sử, lần này có một phương án tốt được đưa ra, đổi lại phải hy sinh lợi ích của một ai đó, của nhóm người nào đó liệu giải pháp đó có dễ dàng được chấp nhận và khả thi?
Không phải không có căn cứ mà tại Hội nghị tổng kết của ngành Văn hóa diễn ra ngày 12/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: “Ở Việt Nam còn có thứ văn hóa “không nhúc nhích”, bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt trước những vấn đề của đất nước và của xã hội...".
Thủ tướng đã nói rất đúng, rất trúng thực tế xã hội hiện nay! Nếu như không có những người vô cảm, bàng quan trước những vấn đề của đất nước, của xã hội thì sẽ không có chuyện hở ra mảnh đất nào là xây chung cư cao tầng, và người ta xây quá nhiều công trình cao tầng trong nội đô để rồi người dân chen lấn, chồng chất lên nhau mà sống. Di dân, giãn dân kiểu gì mà nội đô dân cư ngày càng đặc quánh, giao thông không lối thoát?
Một bài toán tổng thế đặt ra cho đô thị Hà Nội thì mới mong giải quyết được phần nào sức nóng của vấn đề giao thông. Một giải pháp hay nếu không có sự quyết tâm, sự sẵn sàng hy sinh lợi ích cục bộ để vì mục tiêu chung của toàn xã hội thì nó cũng sẽ chỉ là ý tưởng trên giấy mà thôi./.