Thuế giảm, ô tô giá rẻ “bung hàng” ồ ạt, người Việt đang dễ mua xe
Theo các chuyên gia, về điều kiện giá xe ô tô tại Việt Nam ngày càng rẻ đều có cơ sở bởi 3 yếu tố sau: Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với dòng xe dung tích thấp đang giảm nhanh; thuế nhập xe đối với xe nhập từ ASEAN năm 2018 sẽ được bãi bỏ (nếu nội địa hóa 40% trở lên); đặc biệt gần đây, xe giá rẻ đa dạng về nguồn cung từ các nhà sản xuất trong nước tới các nhà nhập khẩu.
Cuộc so găng xe giá rẻ đang khiến người Việt dễ mua và chọn xe phù hợp với túi tiền hơn (ảnh minh hoạ) |
Xe ô tô đang dần được thay ngôi, đổi vị
Trên thực tế, Luật 106, thuế TTĐB được Quốc hội thông qua năm 2016 đã tạo bước ngoặt để người Việt sở hữu chiếc xe hơi ngày càng dễ dàng hơn khi giảm thuế nhiều dòng xe dung tích thấp.
Cụ thể, với những dòng xe có dung tích từ 1.5L trở xuống sẽ được giảm thuế xuống 40% từ 1/7/2016 đến hết năm 2017; từ năm 2018 mức thuế suất này sẽ được hạ xuống 35%.
Đối với xe dung tích từ 1.5L đến 2.0L, mức thuế được áp dụng 45% từ ngày 1/7/2016 đến hết năm 2017; sang năm 2018 mức thuế sẽ được giảm xuống 40%. Còn đối với các dòng xe có dung tích cao hơn từ 2.0L đến 6.0L, từ tháng 7/2016 thuế sẽ tăng từ 50% lên 150% theo bắt đầu từ tháng 1/2018.
Trước đây, người ta thường xem chiếc xe là tài sản lớn, để đi lại, trang bị tài sản cho gia đình, thậm chí nhiều dòng xe được mua về sau đó bán lại vẫn không quá lỗ. Tuy nhiên, hiện nay người mua xe đã tính khác, họ không muốn chọn mua những chiếc xe đắt tiền làm “của để dành” bởi nhiều dòng xe sang, đắt tiền loại cũ đang rất lỗ.
Thay vì được mặc định là tài sản như trước kia, hiện nay nhiều người coi xe hơi là phương tiện để kinh doanh, đi lại và vận chuyển. Chính vì vậy, phần lớn người mua xe không còn quá quan tâm đến dòng xe sang trọng, đích nhắm chủ yếu của họ là: xe che nắng, che mưa, thay đồ dễ, cân đối tài chính hợp lý và giá cả phải chăng.
“Lách” thuế để giành giật thị trường xe
Nhìn vào chính sách thuế TTĐB ưu tiên cao cho dòng xe dưới 2.0L nên từ cuối năm 2016, các DN lắp ráp xe hơi trong nước đã tăng cường sản xuất, lắp ráp xe cỡ nhỏ có dung tích từ 1.0L đến 2.0L. Không đứng ngoài cuộc, các DN nhập khẩu, phân phối xe có cơ sở lắp ráp, sản xuất tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia cũng tăng cường nhập xe cỡ nhỏ.
Điều này khiến phân khúc xe cỡ nhỏ, dung tích thấp giá rẻ tại Việt Nam như trăm hoa đua nở, cực kỳ đa dạng.
Hiện 14/20 thương hiệu nhà lắp ráp, phân phối xe tại Việt Nam đã có xe giá rẻ. Xe giá rẻ trước kia chủ yếu là số tay, nhưng hiện nay đều có bản số tự động. Từ chỗ đa phần xe giá chủ yếu là bản hatchback, nay đã chuyển sang dòng sedan, thậm chí ngay cả dòng xe đa dụng cỡ nhỏ (MPV) cũng đang được các nhà sản xuất thiết kế với dung tích thấp tối đa 2.0L để "lách" thuế TTĐB ở Việt Nam và giảm giá.
Hiện trên thị trường, phân khúc xe được coi là giá rẻ từ 350 - 600 triệu đồng khá nhiều. Phân khúc xe rẻ nhất hiện nay dưới 450 triệu đồng, có các loại xe như Mitsubishi Mirage, Hyundai i10, Kia Morning, Chevrolet Aveo, Chevrolet Spark... Mức giá trên 500 triệu đồng, có Nissan Sunny, Honda City, Suzuki Ciaz. Mức giá xe trên 600 triệu đồng hiện có mẫu Kia Rio, Toyota Vios, Mazda 2, Hyundai Elantra, Kia Cerato...
Thực tế, với những dòng xe giá từ 350 triệu đến 600 triệu đồng, nếu cộng hết các thuế và phí, giá lăn bánh rơi vào khoảng từ 450 đến gần 700 triệu đồng. Đây vẫn là mức giá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Trong khi đó, so với xe giá rẻ tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ô tô giá rẻ tại Việt Nam vẫn cao hơn khá nhiều.
"Các dòng xe giá rẻ hiện chủ yếu do các liên doanh lắp ráp trong nước phân phối và chi phối thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 nhiều dòng xe giá rẻ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Ấn Độ về Việt Nam do hưởng lợi từ giảm nhiều loại thuế. Trong điều kiện thuế nhập khẩu hiện là 30%, các DN nhập xe đã vào được Việt Nam, thì khi thuế nhập xe về 0% (năm 2018), chắc chắn nhiều dòng xe giá rẻ khác từ thị trường Thái, Indonesia, Malaysia sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, với mức giá có thể rẻ hơn", ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia ô tô của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay.
Nguyễn Tuyền