“Thủ phủ” chăn nuôi trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi
Đang dần hồi phục sau những “cơn bão giá” liên tiếp, ngành chăn nuôi heo tại Đồng Nai – nơi được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước lại đối diện với nguy cơ mới: nguy cơ từ dịch tả heo Châu Phi.
Tại Đồng Nai, dù chưa phát hiện heo bị nhiễm bệnh, song cả người chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý đang chủ động các giải pháp phòng chống dịch, kể cả tình huống có dịch xảy ra.
Trang trại này có quy mô khoảng 600 đầu heo và hiện nhiều dãy chuồng đang bỏ trống vì có cố gắng hết sức thì ông Hiệp cũng mới chỉ gây lại được gần 200 con heo.Sau đợt khủng hoảng giá heo từ năm 2017 kéo dài tới 2018, đến nay, trang trại của ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể khôi phục lại hoàn toàn.
Với giá heo đã hồi phục, ông mong mỏi số heo này giúp ông trang trải cho các khoản nợ trước đây, rồi dần dần tái đàn.
"Chúng tôi nghe thông tin dịch tả heo Châu Phi thì bà con rất lo lắng. Hiện nay thì động viên nhau chích ngừa đây đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để bảo vệ đàn heo, bảo vệ tài sản của chúng tôi. Nói chung những năm vừa qua chúng tôi chăn nuôi thua lỗ rất nhiều, nên giờ mà có trục trặc thì người chăn nuôi chúng tôi còn khổ nữa", ông Hiệp nói.Thế nhưng bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện, trở thành mối lo mới và thật sự nặng nề với ông Hiệp cũng như những nông dân nuôi heo khác. Nghe ngóng thông tin trên báo đài và qua cánh bạn nuôi, ông Hiệp hiểu rằng phải dồn sức phòng bệnh cho heo.
Phòng bệnh bằng cách thường xuyên tiêu độc khử trùng, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho heo…đang được người chăn nuôi ở Đồng Nai nỗ lực thực hiện. Bởi hơn ai hết, người nông dân hiểu rằng nếu dịch xảy ra, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề vì đây là dịch bệnh chưa có vaccine ngừa, chưa có thuốc chữa, một khi heo mắc bệnh là chết và chỉ có cách tiêu hủy.
Đáng lo ngại là mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi có thể theo nhiều đường để lây nhiễm, thậm chí người mang mầm bệnh cũng có thể là nguyên nhân lây nhiễm. Trong khi đó, huyện Thống Nhất, nơi có tổng đàn heo lớn nhất của Đồng Nai lại nằm trên các trục giao thông quan trọng, bao gồm cả Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20, tuyến vận chuyển heo theo trục Bắc – Nam, nên nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.Ông Nguyễn Chí Dũng ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, đang ra sức bảo vệ đàn heo trên 500 con của gia đình, nói: "Nghe thông tin dịch heo Châu Phi, bên em thực hiện kỹ hơn, tăng cường phun xịt tiêu độc khử trùng, ngày cách ngày và rải vôi cẩn thận hơn, chăm sóc cẩn thận đàn kỹ hơn, thường xuyên kiểm tra sức khỏe con heo để có chế độ dinh dưỡng hợp lý và phòng trừ bệnh kịp thời."
Tại trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở heo đi qua với số lượng hơn 1.500 con. Những ngày qua, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực, phối hợp với cả lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý các xe chở động vật có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết không cho heo có dấu hiệu bệnh qua trạm. Đồng Nai cũng đã lập thêm một trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 20 để kiểm soát việc vận chuyển heo từ các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn Đồng Nai.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đứng đầu cả nước với khoảng 2,4 triệu đầu con. Ngay khi nắm thông tin dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở phía Bắc, Đồng Nai đã lập tức tổ chức họp bàn tìm biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tỉnh bắt đầu tổ chức các hội nghị từ tỉnh tới cơ sở, cung cấp cho người chăn nuôi thông tin về dịch và các giải pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh các giải pháp giám sát dịch tễ.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: "Tổ chức điều tra thống kê đàn, giám sát tình hình dịch tễ để phát hiện những ca bệnh. Tăng cường công tác kiểm dịch tại cơ sở giết mổ để phát hiện những trường hợp bất thường. Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ tiêu hủy theo quy định của chính phủ và quy định chi phí tiêu hủy heo bệnh để khi có dịch bệnh thì mình chủ động xử lý."
Ngoài ra, cơ quan chức năng Đồng Nai tiếp tục kiểm soát chặt các tuyến đường vận chuyển heo từ phía Bắc vào, tiến hành các đợt tiêu độc khử trùng trong phạm vi toàn tỉnh, siết chặt hoạt động các cơ sở giết mổ, trong trường hợp phát hiện ổ dịch thì lập tức tiêu hủy ngay đàn heo nhiễm bệnh và những đàn heo ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh.
Có thể thấy, cả người chăn nuôi và ngành chức năng Đồng Nai đang “gồng mình” tìm phương án chống dịch tả heo Châu Phi./.