Thử nghiệm hiệu quả vắcxin phòng virus Zika trên khỉ
Nhân viên y tế Mỹ bắt muỗi để nghiên cứu tại tây bắc Washington. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo báo cáo mới đăng trên tạp chí Science Translational Medicine, nhóm nghiên cứu đã xác định được 3 kháng thể rất có tiềm năng là SMZAb1, SMZAb2 và SMZAb5 được lấy từ một bệnh nhân ở Nam Mỹ.
Hỗn hợp gồm 3 kháng thể này được đưa vào cơ thể của 4 vật chủ là các chú khỉ trong phòng thí nghiệm một ngày trước khi các vật chủ bị phơi nhiễm virus Zika được lấy từ một phụ nữ mang thai.
Kết quả theo dõi cho thấy virus Zika đã không có khả năng phát triển và kiểm soát cơ thể vật chủ có các kháng thể nói trên.
Các nhà khoa học không thấy sự tồn tại đáng kể của virus Zika trong mẫu máu của 4 vật chủ trong khi hệ miễn dịch của chúng cũng không hề được kích hoạt. Điều này cho thấy các virus đã bị "khóa" hoàn toàn.
Trong khi nhóm 4 vật chủ khác nhiễm virus Zika nhưng không được tiêm hỗn hợp 3 kháng thể đã phát bệnh trong 7 ngày.
Theo giáo sư David Watkins đến từ Trường Dược Miller thuộc Đại học Miami (Mỹ), đây là một cách can thiệp hiệu quả nhằm ngăn chặn và điều trị lây nhiễm virus Zika trong quá trình mang thai.
Các tác giả mong muốn phát triển loại kháng thể kết hợp này và sớm đưa vào thử nghiệm ở người. Vì các kháng thể an toàn tuyệt đối với con người và thai nhi nên phương pháp này được kỳ vọng sẽ sớm được phát triển để bảo vệ những phụ nữ mang thai và các em bé.
Trong khi đó, loại vắcxin phòng Zika do tập đoàn dược phẩm Inovio (Mỹ) và tập đoàn khoa học Geneone Life của Hàn Quốc phối hợp phát triển đã cho kết quả rất thành công trong giai đoạn đầu thử nghiệm ở người.
Theo đó, cơ thể 40 tình nguyện viên khỏe mạnh sau khi được tiêm 3 mũi vắcxin GLS-500 đều sản sinh ra các kháng thể chống lại virus Zika.
Mẫu máu của tình nguyện viên sau đó được đưa vào cơ thể của các cá thể chuột trước khi chúng bị phơi nhiễm virus Zika. Kết quả cho thấy những chú chuột này đều sống khỏe mạnh trong khi một nhóm cá thể chuột khác phơi nhiễm Zika mà không được truyền loại máu có kháng thể đều tử vong.
Không giống các vắcxin thông thường sử dụng những virus đã bị vô hiệu hóa hoặc đã chết, GLS-500 là loại vắcxin tổng hợp được phát triển bằng cách tái sản xuất một số phần trong bộ gene của virus Zika.
Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania, ông Pablo Tebas cho biết kỹ thuật tổng hợp vắcxin dựa trên bộ gene cho kết quả rất nhanh, chỉ mất khoảng 7 tháng kể từ khi vắcxin lần đầu tiên được định hình cho tới khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Sẽ cần thêm các thử nghiệm khác đề khẳng định hiệu quả của vắcxin này khi dùng với người.
Trong các năm 2015 và 2016, virus Zika lây truyền qua muỗi đã hoành hành tại các quốc gia ở Mỹ Latinh, Caribe và phía Nam nước Mỹ, gây ra hàng nghìn ca di tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Zika là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Hồi tháng 11 vừa qua, WHO đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn cảnh báo virus này có thể tiếp tục bùng phát và lây lan nhanh ở bất kỳ đâu có muỗi mang mầm bệnh.
Tuy dịch Zika đã không còn nguy cấp nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu điều chế vắcxin phòng chống căn bệnh này cũng như ngăn ngừa tình trạng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh./.