Thỏa thuận quốc phòng Nga Ấn Đòn bẩy cải thiện quan hệ song phương
Thỏa thuận này được cho là một xung lực mới thúc đẩy mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga lên một tầm cao mới,trong bối cảnh mối quan hệ giữa các nước đang bị thử thách bởi sự thay đổi trong chiến lược liên minh toàn cầu và cuộc xung đột Trung Đông.
Hai bên ký 18 văn kiện hợp tác và thông qua tuyên bố về phương hướng nhằm đem lại hòa bình và ổn định toàn cầu. Theo thỏa thuận lớn nhất, một nhóm của Tập đoàn Rosneft, Nga sẽ trả 12,9 tỉ USD để mua cổ phần tại công ty dầu Dessar của Ấn Độ và các cơ sở vật chất cầu cảng đi kèm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (ảnh: Reuters). |
Nước này cũng thông báo kế hoạch cho một dự án liên doanh chung lắp ráp trực thăng tại Ấn Độ. Ấn Độ cũng cho biết sẽ mua hệ thống tên lửa đất đối không và tàu khu trục nhỏ của Nga.
Lễ ký văn kiện diễn ra với sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại bang Goa của Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhiều vấn đề quốc tế mà các bên cùng quan tâm như tình hình Syria, Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố...
Khác so với những cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Ấn Độ bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với, những thỏa thuận cụ thể đạt được trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng.
Mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ trong thời gian qua được coi là khá mờ nhạt. Ấn Độ trước đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong việc trang bị cho lực lượng vũ trang nước này, nhưng nước này gần đây đã đa dạng hóa các lựa chọn, bằng việc nghiêng sang hợp tác với Mỹ, Pháp và Israel.
Tuy nhiên với những thỏa thuận quốc phòng mới nhất vừa được kí kết cho thấy mối quan hệ này đang tiếp tục được củng cố. Thủ tướng Ấn Độ Modi ngày 15/10 cũng khẳng định “một người bạn cũ hơn 2 người bạn mới” khi nói về quan hệ hợp tác với Nga.
Thủ tướng Ấn Độ cho biết: “Tổng thống Putin đã có những bước đi thổi sức mạnh vào mối quan hệ Ấn Độ- Nga. Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, những chính sách của Tổng thống Putin đã mang lại sự ổn định và vững chắc cho mối quan hệ đối tác chiến lược. Mối quan hệ Nga -Ấn Độ thực sự giá trị”.
Nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ cũng cho rằng, thỏa thuận quốc phòng giữa hai bên không chỉ thúc đẩy mối quan hệ song phương mà còn giúp giải quyết những khó khăn kinh tế mà hai nước đang phải đối mặt.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ G.D. Bakshi, nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và giá dầu thấp. Vì vậy, Ấn Độ có thể giúp Nga thông qua các thỏa thuận vũ khí này.
Nga hiện cũng đang tìm kiếm các thị trường mới cho những sản phẩm dầu và khí đốt của mình. Còn đối với Ấn Độ, Tổng thống Nga Putin ngày 15/10 cho biết, Nga có thể xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ trong hơn 20 năm tới để ủng hộ chiến lược tăng trưởng của Thủ tướng Modi, khi nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.
Ông Putin nói: “Chúng tôi đang thảo luận các văn kiện liên chính phủ về việc xây dựng các đơn vị lò phản ứng thứ 5 và thứ 6 tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam. Tập đoàn Rosneft của Nga cũng sẽ xuất khẩu 100 triệu tần dầu thô trong 10 năm. Gazprom bắt đầu thực hiện hợp đồng lâu dài cung cấp cho Ấn Độ 2,5 triệu tấn khí đốt hóa lỏng hàng năm”.
Các quan chức Bộ quốc phòng Ấn Độ cũng nhận định, các thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới được ký kết nhằm” đầu tư tương lai” cho mối quan hệ giữa hai nước./.