Sở GD-ĐT Hà Nội đã chốt môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm 2019 là Lịch sử. Với đặc thù là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần học sinh đều lo lắng về cách học, phương pháp học trong thời gian còn.

Khánh Nam, học sinh khối lớp 9 trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra thất vọng khi biết môn thi thứ 4 là Lịch sử: “Nếu là môn Vật lý thì em sẽ rất vui. Vì học thiên về các môn tự nhiên, nên em khá sợ các môn xã hội, phải học thuộc nhiều. Lớp em các bạn cũng rất lo lắng khi biết năm nay sẽ thi môn Lịch sử. Thời gian ôn thi không còn nhiều, trong khi đó chương trình Lịch sử khá dài, nên em đang cảm thấy khá hoang mang”.

thi vao lop 10 o hn giao vien bat mi cach hoc mon su don gian
Ảnh thí sinh trao đổi về bài thi sau giờ thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018.

Hoài Anh (THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, môn Lịch sử khiến nhiều thí sinh “sợ” vì phải nhớ từng mốc thời gian, tên nhân vật, sự kiện lịch sử gắn với từng mốc thời gian đó. Nhiều khi học sinh học trước quên sau.

“Em rất lo nếu có nhiều câu hỏi liên quan đến phần lịch sử thế giới. Phần này có rất nhiều nội dung khó nhớ và khô khan”.

Hoài Anh cho biết, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, song khi biết thi môn Lịch sử, nữ sinh vẫn khá lo lắng. “Em đã phải lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho môn này. Dự kiến đến hết tháng 4 em sẽ phải tự ôn hết một lượt. Thời gian còn lại sẽ tiếp tục ôn tập quay vòng để nắm chắc kiến thức. Em cũng đã rủ một số bạn cùng lớp lập nhóm học để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Bí quyết ôn thi hiệu quả

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, bài thi Lịch sử làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, 40 câu hỏi. Với hình thức thi trắc nghiệm, phạm vi kiến thức của đề thi phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.

TS Lê Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, cấu trúc đề thi minh họa được công bố vào tháng 10/2018, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình lớp 9, mức độ câu hỏi chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao. Do đề thi trắc nghiệm với số lượng 40 câu nên câu hỏi trong đề thi có mặt ở mọi chuyên đề, bài học mà học sinh được học ở lớp 9, từ lịch sử thế giới (1945-2000) và lịch sử Việt Nam (1919-2000). Trong đó, tỉ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%.

Với cấu trúc và hình thức đề thi như vậy, yêu cầu đầu tiên đối với học sinh là cần bám sát chương trình lớp 9 để ôn tập. “Sách giáo khoa lớp 9 là kim chỉ nan để học sinh ôn luyện trong thời gian gần 3 tháng còn lại. Học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Đồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần”, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng lưu ý, theo đề thi minh họa, kiến thức tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố học sinh, không có câu hỏi tích hợp hay vận dụng kiến thức thực tế. Các câu hỏi trải đều tất cả các nội dụng trong SGK vì vậy học sinh không được học tủ bất kì nội dung nào, ngoài việc nắm kiến thức cơ bản học sinh cần rèn luyện kĩ năng so sánh và tổng kết để có thể làm được những câu hỏi dạng liên chuyên đề.

Phân tích kỹ hơn, TS Hương cho biết, đề thi chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật, bên cạnh đó cũng yêu cầu học sinh phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kì lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề. Vấn đề học sinh đang lo lắng là làm sao để nhớ được khối lượng kiến thức khổng lồ trên.

Lời khuyên đưa ra là học sinh cần bám chắc cấu trúc đề minh họa để ôn tập, ôn đều các chuyên đề theo kế hoạch phù hợp, không để mất điểm phần lịch sử thế giới vì phần này đa phần câu hỏi dễ lấy điểm.

Học sinh cũng cần ôn tập có lộ trình: “Tháng 3 các em nên tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc”, cô Hương lưu ý.

Bên cạnh đó, cô Hương cũng cho rằng học sinh cần đọc – ôn kỹ các bài tổng kết chương để nắm được các diễn biến của lịch sử trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử; Rèn cách tìm từ khóa trong mỗi câu hỏi để tránh bị lạc đề, tránh các đáp án nhiều, bẫy, dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Ngoài ra, việc phân chia thời gian làm bài hợp lý, bấm giờ làm bài để không bị quá thời gian, làm từ dễ đến khó cũng là điều các sỹ tử cần luyện tập.

Cuối cùng, để ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn, học sinh nên tự học qua sơ đồ tư duy, thẻ nhớ kiến thức. Với mỗi bài học, giai đoạn lịch sử, có thể hệ thống lại thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần.

Các giáo viên cũng lưu ý học sinh cần bình tĩnh, lên kế hoạch học tập và ôn luyện trong thời gian còn lại cho môn Lịch sử nói riêng và cả 4 môn thi tuyển vào lớp 10 hợp lý nhất. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể trao tạo nhóm bạn cùng học để thảo luận hoặc hỏi trực tiếp giáo viên đang giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung./.