Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Vì sao phụ huynh, học sinh phải chật vật?
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập của thành phố Hà Nội đã kết thúc vào ngày 6/7, hiện chỉ còn các trường ngoài công lập tiếp tục tuyển sinh đến hết ngày 15/07. Thế nhưng câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn chưa hết “nóng” bởi những “lùm xùm” trong việc nộp và rút hồ sơ giữa nhà trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập với phụ huynh học sinh và cơ quan quản lý. Thực tế này cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn để giảm vất vả cho thí sinh và gia đình trong những mùa tuyển sinh sau.
Nộp hồ sơ vào lớp 10 ở Hà Nội. (Ảnh: Zing). |
Điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 tăng theo giờ; phụ huynh đội nắng để rút và nộp hồ sơ, rồi lại giằng co quyết liệt với trường để đòi lại phí “giữ chỗ, đặt cọc, ghi danh”... Đó là những rắc rối mà nhiều phụ huynh học sinh ở Hà Nội đã trải qua trong những ngày xét tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2018-2019 vừa qua.
Chia sẻ về hành trình tìm trường học cho con, chị Phạm Thị Loan Hà, ở quận Hai Bà Trưng cho biết, con chị đăng ký xét tuyển vào Trường THPT Tạ Quang Bửu. Tuy nhiên, điểm tuyển sinh của trường thay đổi liên tục từ 46 điểm, lên 49 điểm và đến sáng 1/7 là trên 50 điểm và ngừng nhận hồ sơ nên con chị hết cơ hội trúng tuyển vào trường: “Điểm của con rơi vào tầm chấp chới nên đi tìm chỗ học cho con cũng vất vả, tìm được trường ưng ý thì chính sách điểm tuyển lại thay đổi. Trường cũng tốt nên nhiều phụ huynh học sinh cùng có nguyện vọng vào trường nhưng mà điểm ấy làm cho không chủ động trong việc nhập học cho con”.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội có số lượng thí sinh tăng đột biến (tăng gần 30 nghìn em so với năm ngoái), khiến học sinh không đỗ trường công lập khá nhiều và phải chuyển ra học tại các trường ngoài công lập. Dù quy định của Sở GD- ĐT Hà Nội là các trường ngoài công lập bắt đầu nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/7 nhưng nhiều trường đột ngột thay đổi lịch tuyển sinh trước thời gian quy định và đặt ra các “luật chơi” riêng như thu phí “ghi danh, giữ chỗ, đặt cọc” để giữ chân thí sinh và sẽ không được trả lại tiền nếu rút hồ sơ. Nhiều phụ huynh vì muốn chắc chắn một chỗ học ở trường ngoài công lập cho con nếu trượt trường công đã phải chấp nhận những “luật chơi” này để rồi khi con đỗ trường công lại mất thời gian đi rút hồ sơ và đòi lại các các khoản phí đã nộp trước đó dù đã ký vào bản cam kết.
Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của việc “lùm xùm” giữa phụ huynh và các trường ngoài tư thục là do công tác quản lý, điều phối của Sở GD-ĐT chưa tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh sẽ bớt hoang mang và lo lắng nếu như Sở cung cấp thêm phổ điểm thi của thí sinh toàn thành phố, để phụ huynh tiên liệu khả năng đỗ, trượt của con trước khi quyết định có nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập hay không. Bên cạnh đó, thời gian xét tuyển của các trường công lập quá ngắn (chỉ 3 ngày cho đợt xét tuyển chính), khiến phụ huynh phải đôn đáo rút- nộp hồ sơ từ trường này sang trường khác gây nên cảnh náo loạn. Một số chuyên gia cũng đưa ra so sánh, năm nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 tăng hơn 20 nghìn em so với năm trước, nhưng do Sở công bố phổ điểm thi và có thời gian nộp hồ sơ trúng tuyển dài 22 ngày nên không xảy ra cảnh náo loạn như xét tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội mấy ngày vừa qua.
Đánh giá những “lùm xùm” trong xét tuyển lớp 10 THPT của một số trường ngoài công lập, nhiều chuyên gia cho rằng, xét theo Luật giáo dục, các trường ngoài công lập được tự quyết những việc liên quan đến tuyển sinh, đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc họ được tự đưa ra mức điểm chuẩn và có quyền thay đổi, cũng như đưa ra những “luật riêng” về phí với học sinh, phụ huynh dựa trên thỏa thuận giữa hai bên.
Ông Nguyễn Minh Khang, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie – Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, trước tiên đứng dưới góc độ nhà trường thì đây là một cách làm muốn nhắc nhở cha mẹ học sinh là hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ cho con vào trường của mình và nhằm để ổn định tuyển sinh. Thế nhưng mà tôi cho rằng có nhiều cách để đạt được việc đó. Cách đó chưa hẳn đã là tốt và thậm chí nó có thể làm tổn hại đến uy tín của chính trường đó”.
Dù sự giằng co của phụ huynh và nhà trường đã được xoa dịu khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn yêu cầu một số trường hoàn trả các khoản tiền lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ, nhưng rõ ràng đây chỉ là những giải pháp tình thế.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội đã kết thúc, nhưng xã hội vẫn kỳ vọng cơ quan quản lý chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh để có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, giúp cho việc tuyển sinh vào lớp 10 đỡ gây áp lực cho thí sinh và phụ huynh; đưa ra giải pháp hợp lý để các trường ngoài công lập không thể “lách” quy định để gây khó cho thí sinh./.