Thi THPT quốc gia 2019: Cách ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhằm giúp giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi một cách chủ động và hiệu quả nhất.
Giáo viên tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi đã phân tích ma trận đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, so với đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đề tham khảo năm 2019 không có sự thay đổi nào về cấu trúc đề thi mà chỉ chứng kiến sự thay đổi trong việc ra câu hỏi và nội dung của từng câu hỏi.
Đề thi tham khảo vẫn giữ nguyên việc sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa. Sự thay đổi lớn nhất trong phần "Đọc hiểu" nằm ở cách ra các câu hỏi.
Câu đầu tiên không còn kiểm tra học sinh về các kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt… như những năm trước. Các câu hỏi đều không yêu cầu học sinh có sự học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa.
Ở đề tham khảo, phần "Đọc hiểu" yêu cầu học sinh thực hiện chính xác hai thao tác là đọc và hiểu ngữ liệu. Đây là sự thay đổi hết sức lớn, nếu đề thi thật vẫn giữ nguyên cách ra đề như đề tham khảo, học sinh không phải quá tập trung vào việc học các kiến thức tiếng Việt.
Giống như phần Đọc hiểu, câu nghị luận văn học trong đề tham khảo năm 2019 có sự thay đổi rất lớn so với câu nghị luận văn học trong đề thi năm 2018.
Nếu năm 2018, câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức trong hai lớp là lớp 11 và lớp 12 thì trong đề tham khảo chỉ hỏi duy nhất kiến thức nằm trong chương trình lớp 12.
Về độ khó, câu nghị luận văn học trong đề tham khảo năm 2019 được đánh giá có độ khó gần tương đương so với đề thi năm 2018. Không liên hệ với kiến thức 11, chỉ hỏi duy nhất kiến thức của lớp 12 nhưng câu hỏi này lại đi sâu vào việc yêu cầu học sinh phân tích sự thay đổi hình ảnh của nhân vật qua hai lần miêu tả.
Với câu lệnh như vậy, dù đề bài không yêu cầu nhưng trong quá trình làm bài, học sinh vẫn phải thực hiện thao tác so sánh để làm rõ sự thay đổi của nhân vật.
Học sinh cần biết đưa ra quan điểm cá nhân
Còn theo cô Phạm Thị Thu Phương - giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm ôn thi THPT quốc gia tại Hà Nội, học sinh cần đặc biệt lưu ý phần Làm văn. Ở phần này, câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ (không quá mặt giấy A4).
Câu hỏi này chiếm 20% tổng số điểm của phần Làm văn. Vấn đề nghị luận sẽ được rút ra ngay từ ngữ liệu của phần đọc hiểu, khá gần gũi và thiết thực với học sinh. Xét về mức độ, câu nghị luận xã hội là một câu hỏi ở mức độ phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Yêu cầu của đề thường mở, nên học sinh có thể thoải mái trình bày ý kiến cá nhân và hiểu biết của bản thân, miễn sao ý kiến đó phù hợp với những chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Ngoài ra, để viết sâu sắc và chỉn chu, học sinh cần biết kết hợp các thao tác lập luận văn bản, chú ý đảm bảo dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
"Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 12 nằm toàn bộ trong câu hỏi này. Xét về mức độ, đề nghị luận văn học là một đề bài tương đối khó. Đề bài này không chỉ đòi hỏi học sinh vừa nắm chắc kiến thức mà còn cần có những đánh giá sâu sắc, nhìn nhận tỉ mỉ mới có thể xử lí được đề bài trên. Với đề minh họa, câu hỏi nghị luận văn học sẽ phân loại rõ hơn các đối tượng học sinh.
Nhìn chung với đề bài này, học sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú", cô Phương cho biết.
Bên cạnh đó, các giáo viên cũng lưu ý thí sinh cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Thí sinh nên làm phần đọc hiểu trong khoảng 20 phút, câu 1 phần làm văn cần khoảng 20 phút và dành 80 phút còn lại để làm câu nghị luận văn học. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt./.