Thi THPT quốc gia 2018: Đề thi các môn tự nhiên có thêm nhiều điểm mới
Còn chưa đầy 2 tháng nữa, các thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc đề thi, hệ thống kiến thức ôn tập, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng đề thi minh họa năm nay khá khó, khiến học sinh hoang mang.
Ông Sái Công Hồng, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. |
Thông tin về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi THPT quốc gia gắn liền với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng dữ liệu để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Vì vậy, đề thi phải bám sát với mục đích, gồm 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao để phân loại. Năm 2018, kỳ thi được mở rộng ra với nội dung 20% kiến thức lớp 11.
"Với đề thi minh họa vừa qua, tôi nhận được một số ý kiến của hiệu trưởng và báo chí cho rằng đề thi khó quá trong phần phân hóa, chúng tôi cũng tiếp thu", ông Hồng cho hay.
Ngoài việc có thêm kiến thức lớp 11, đề thi năm nay sẽ có một số điểm mới so với năm 2017. Cụ thể: “Bài thi KHTN, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần câu hỏi khó sẽ nghiêng về bản chất như các hiện tượng Vật lý, Hóa học, không chỉ đơn thuần là tính toán. Trong các môn thi cũng sẽ bắt đầu xuất hiện các câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để phù hợp hơn với chương trình GSK mới trong thời gian tới, nhưng vẫn sẽ theo lộ trình để tránh học sinh bị sốc. Với những trường có thói quen bỏ qua phần thực hành khi giảng dạy, học sinh sẽ khó khăn hơn khi làm bài thi. Chúng tôi mong muốn việc này sẽ tác động ngược trở lại việc dạy học trong trường phổ thông, lý thuyết cần đi đôi với thực hành. Ngoài ra, bài thi môn Toán cũng sẽ bắt đầu có thêm một số những câu hỏi về lý thuyết Toán để học sinh hiểu về bản chất vấn đề”, ông Hồng thông tin.
Đại diện Cục quản lý chất lượng cũng cho biết, đề thi thực sự sẽ được Bộ GD-ĐT sử dụng khi các hội đồng cách ly hoàn toàn. Còn hiện nay, Bộ GD-ĐT chọn mẫu đề thi của các trường THPT trong cả nước làm nguồn, giúp câu hỏi xác thực và bám sát vào thực tiễn.
Ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, các thí sinh không cần quá căng thẳng. Cấu trúc đề thi có tới 60% kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, do đó, nếu quá lo lắng, tập trung ôn nhiều những phần câu hỏi khó, trong khi chưa chắc đã làm đúng sẽ rất lãng phí. “Các em có thể để mất điểm trong 60% kiến thức cơ bản là thực sự lãng phí. Kinh nghiệm cho thấy, các em học rất cơ bản, điểm lại rất cao, không bị sai những phần kiến thức cứng. Trong đề thi có nhiều câu dễ, nhìn qua có thể làm được ngay. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, phân cấp dần, thí sinh làm tuần tự. Nếu muốn đạt điểm cao hơn, thí sinh có thể đào sâu thêm kiến thức, tuy nhiên sẽ không có những bài mang tính quốc tế hóa”, ông Hồng lưu ý./.