Ngày 21/10, UBND huyện Yên Định có tờ trình số 173 về việc xin bổ sung giáo viên, nhân viên còn thiếu năm học 2016 - 2017. Trước đó, ngày 14/10, UBND huyện Cẩm Thủy cũng có tờ trình về việc đề nghị cho tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động đối với giáo viên, nhân viên còn thiếu ở các trường học thuộc huyện này.

thanh hoa nhieu dia phuong xin bo sung giao vien nhan vien

Nhiều trường học thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên các môn đặc thù

Sau khi nhận được tờ trình của các địa phương nêu trên, ông Phạm Đăng Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Yên Định và Cẩm Thủy.

Từ đó có ý kiến tham mưu, đề xuất, đảm bảo không vượt quá định mức giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hành chính quy định tại quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23/8, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, huyện Yên Định đã tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1/9 đối với 647 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện này. Hàng trăm giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng đã có đơn kiến nghị, cầu cứu khẩn cấp tới các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Mới đây nhất, ngày 20/10, Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn khẩn nêu ý kiến chỉ đạo của ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét giải quyết đơn của tập thể giáo viên, nhân viên hành chính các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Yên Định.

Còn tại huyện Cẩm Thủy, địa phương này cũng đã chấm dứt hợp đồng đối với 137 giáo viên, nhân viên. Trước đó, tại huyện Vĩnh Lộc và một số địa phương khác trên địa bàn Thanh Hóa cũng đã có hàng trăm giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng.

Thực tế nêu trên khiến nhiều trường học tại nhiều địa phương rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Ngay đầu năm học mới, tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng cũng đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề sắp xếp, bố trí, luân chuyển giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra hiện nay là “khoảng trống” của hàng nghìn giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng để lại đang là “bài toán khó” đối với ngành giáo dục Thanh Hóa.

thanh hoa nhieu dia phuong xin bo sung giao vien nhan vien

Trong khi đó, hàng trăm giáo viên, nhân viên hợp đồng có đơn kiến nghị, kêu cứu khẩn cấp gửi các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét lại việc bị chấm dứt hợp đồng

Do thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên các môn đặc thù nên việc bố trí, sắp xếp người đứng lớp hiện nay đối với nhiều đơn vị, trường học gặp không ít khó khăn. Có không ít trường học gần như không có giáo viên Tiếng Anh, Tin học... Nhiều trường buộc phải dồn lớp, không tổ chức bán trú. Đó là chưa kể việc phải điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy ở bậc Tiểu học và Mầm non đã đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo chuyên môn giảng dạy?

Bên cạnh đó, dư luận đặt ra câu hỏi về việc để xảy ra tình trạng hàng nghìn giáo viên, nhân viên hợp đồng bị chấm dứt ngay trước thềm năm học mới nhưng vấn đề trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan chưa được làm rõ.