Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng, nhiệm vụ của quân đội
Điểm sáng về kết hợp kinh tế với quốc phòng
Cùng đi với Đoàn công tác có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Quân chủng Hải quân, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Hàng hải Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc TCSG, cho biết: Trải qua hơn 28 năm xây dựng và phát triển, TCSG luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời xây dựng nên thương hiệu Tân Cảng Sài Gòn liên tục dẫn đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trở thành nhà khai thác cảng container, cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, hiện đại, lớn nhất Việt Nam, đứng trong tốp 25 cảng lớn và hiện đại nhất thế giới; khẳng định vị thế thương hiệu doanh nghiệp quân đội quan trọng trên thị trường quốc tế; một điểm sáng về kết hợp kinh tế với quốc phòng ở nước ta hiện nay. Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, TCSG luôn chú trọng phát huy thế mạnh và tính lưỡng dụng của hệ thống TCSG trên các địa bàn kinh tế-quốc phòng trọng điểm cả nước, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh tế biển để “Khi bình là ngư, khi biến là binh”, vừa phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch kiểm tra và làm việc tại Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. |
Những năm qua, Tân Cảng Sài gòn đã tiếp nhận 53.946 lượt tàu kinh tế; tổng sản lượng container thông qua cảng đạt 585 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 21%/năm. Tổng doanh thu 77.257 tỷ đồng (năm 2017 dự kiến 19.296 tỷ đồng); tổng lợi nhuận 12.858 tỷ đồng (năm 2017 dự kiến 2.164 tỷ đồng); nộp ngân sách Nhà nước 4.587 tỷ đồng... TCSG luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên và giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động các địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn đơn vị đóng quân… TCSG phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế-quốc phòng hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển các khu quốc phòng-kinh tế biển đảo; góp phần cùng các lực lượng trong Quân chủng Hải quân làm tốt vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện thành công “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của TCSG trong thời gian qua, đóng góp chung vào sự phát triển của TP Hồ Chí Minh cũng như lĩnh vực kinh tế biển. Thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng cũng như những kết quả mà tổng công ty đạt được trong thời gian qua. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Thành công của tổng công ty đã khẳng định TCSG là doanh nghiệp quốc phòng-an ninh tiêu biểu của quân đội, hoàn thành xuất sắc đồng thời cả hai nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế trong lĩnh vực kinh tế biển, được xếp hạng Tổng công ty Nhà nước hạng đặc biệt. Thành công của Tổng công ty không chỉ là niềm tự hào của đất nước, của quân đội mà còn minh chứng rằng: Chủ trương xây dựng, phát triển kinh tế của các doanh nghiệp quân đội là hết sức đúng đắn.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước
Trong buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Mục đích của việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là: Củng cố bản thân tiềm lực quốc phòng của đất nước; góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia; củng cố vị thế độc lập, tự chủ của đất nước và công nghiệp quốc phòng, trang bị vũ khí, khí tài; tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước thông qua sự hợp tác với bên ngoài. Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thực tiễn hơn 70 năm qua đã cho thấy: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của quân đội. Cùng với thực hiện tốt chức năng của một “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, quân đội luôn tích cực, chủ động thực hiện tốt chức năng của mình và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Những năm gần đây, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, triển khai xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng. Đến nay, quân đội đã xây dựng 23 khu kinh tế-quốc phòng thuộc các binh đoàn, các quân khu với hàng triệu héc-ta, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân cư, định cư lâu dài, hình thành nên thế bố trí chiến lược đặc biệt trên dọc tuyến biên giới từ Bắc tới Nam. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, các doanh nghiệp quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đầu tư ra nước ngoài, trở thành đối tác kinh tế quốc tế có uy tín như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (viễn thông), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (dịch vụ cảng biển), Tổng công ty trực thăng Việt Nam (bay dịch vụ), Ngân hàng TMCP Quân đội (ngân hàng)... Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm Trung tâm điều hành của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. |
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết: Trong thời gian tới, trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, bên cạnh yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ngày càng cao, yêu cầu nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội nói chung và của TCSG nói riêng là hết sức quan trọng và cấp thiết. Quân đội sẽ tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, chiến lược. Bộ Quốc phòng sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế-quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng địa bàn; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục rà soát, có thể bàn giao cho địa phương các khu đất quốc phòng chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng để phát triển kinh tế-xã hội, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp quy hoạch của địa phương.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết: Những năm vừa qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn héc-ta đất quốc phòng cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2004 đến năm 2017, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 177,3ha để thành phố phát triển kinh tế-xã hội. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2007 đến 2017, Bộ Quốc phòng đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch để bàn giao khoảng 98,7ha đất quốc phòng cho Bộ Giao thông-Vận tải để xây dựng đường lăn, sân đỗ, khu vực bảo đảm kỹ thuật hàng không. Đối với hai sân golf Tân Sơn Nhất và Long Biên, ngay từ đầu năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trong hai sân golf. Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất nếu Chính phủ yêu cầu để mở rộng sân bay; nhưng việc thu hồi phải đúng quy định của pháp luật, theo quy hoạch của Chính phủ và phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng, có tính đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đầu tư; nếu thu hồi rồi, không cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục thuê khu đất này để kinh doanh. Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2013 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao hơn 1.500ha tại 13 sân bay trên cả nước cho hàng không dân dụng và địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh cử đơn vị chuyên môn làm việc cụ thể với Bộ Quốc phòng để triển khai nhanh kế hoạch mở các tuyến đường kết nối giao thông, giải quyết tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, chiều 11-7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã chủ trì kiểm tra thực tế công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ đạo các đơn vị chấp hành nghiêm quy định sử dụng đất quốc phòng; rà soát, chấn chỉnh, xử lý ngay những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng; chấm dứt, nghiêm cấm mọi hoạt động cho thuê, sử dụng sai mục đích đất quốc phòng; chủ động trao đổi với chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan thống nhất, khẩn trương bàn giao đất quốc phòng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng hồ điều hòa... trên địa bàn thành phố.