Sáng 12/10, cơn đau bụng dữ dội hơn nên chị Thảo lần thứ hai vào cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi làm xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ cho biết thai nhi và tim thai bình thường. Gia đình yêu cầu mổ nhưng vẫn không được đáp ứng. Chiều 12/10 bệnh nhân khám tại Bệnh viện Nhân dân 115, được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, chích thuốc giảm đau và cho thuốc về nhà uống.
8 ngày sau, chiều 20/10, sản phụ đau bụng dữ dội, ói ra dịch màu đen nên cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Bệnh viện Bình Dân được mời qua hội chẩn, xác định thai phụ viêm ruột thừa và đưa bệnh nhân về viện phẫu thuật. Ca mổ ruột thừa trong đêm được tiên lượng sẽ nhiều rủi ro cho cả mẹ lẫn con. Lúc này bệnh nhân đã bị viêm phúc mạc toàn bộ. Kíp cấp cứu của Từ Dũ được mời sang Bình Dân để mổ bắt con ngay sau đó nhưng em bé đã chết lưu trong bụng mẹ. Chị Thảo trải qua nhiều ngày hồi sức gian nan trong viện.
Chị Thảo cho biết sự việc đau lòng trôi qua hơn hai tháng, chỉ mong muốn các y bác sĩ "làm việc có trách nhiệm hơn, không thờ ơ, vô cảm để tránh những trường hợp tương tự". Người nhà bức xúc vì bác sĩ ở Từ Dũ đã không phẫu thuật bắt con sớm, khiến em bé không thể cất tiếng khóc chào đời.
Bé trai chết lưu trong bụng mẹ sau viêm ruột thừa. Ảnh bệnh nhân cung cấp. |
Chia sẻ với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết khi thai phụ vào khám lúc thai gần 31 tuần, bác sĩ không thể mổ bắt con vì lúc đó không có chỉ định sản khoa. Bệnh nhân chưa có dấu hiệu chuyển dạ hay dọa sinh non.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, trong lúc bác sĩ Bình Dân phẫu thuật ruột thừa cho người mẹ thì cũng không thể mổ lấy thai khi viêm phúc mạc, môi trường nhiều mủ, nguy cơ gây nhiễm trùng tử cung. Tình trạng nhiễm trùng âm thầm từ ruột thừa do không xử lý kịp thời đã dẫn đến áp xe, vỡ và viêm phúc mạc, gây suy thai và em bé chết lưu trong bụng.
"Phụ nữ mang thai từ 24-25 tuần trở lên khi có viêm ruột thừa thường rất khó chẩn đoán, do tử cung co rất cao đẩy ruột thừa lên nên dễ chẩn đoán nhầm với viêm túi mật, những cơn đau quặn thận hoặc dọa sinh non", bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ. Đây là tình huống bệnh nhân mang thai gần 31 tuần khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong lần chẩn đoán đầu tiên.
Theo bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, viêm ruột thừa ở thai phụ thường diễn tiến nhanh, dễ dẫn đến viêm phúc mạc, gây sảy thai hay đẻ non, thậm chí tử vong. Thai phụ mang bầu trên 6 tháng, tử cung thường đẩy ruột thừa lên cao và ép ra ngoài thành bụng nên triệu chứng có thể phức tạp và khó chẩn đoán, dễ bị chẩn đoán nhầm với các vấn đề thai kỳ, dẫn tới điều trị chậm trễ. Thai phụ cần cảnh giác khi đau hố chậu phải, đau bụng kéo dài, sốt nhẹ, rối loạn tiêu hóa...