Thái Nguyên phát hiện 2 ca mắc bệnh bạch hầu
Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên phối hợp với các cơ sở y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch ngay tại trường học |
Bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nghi mắc bệnh bạch hầu là em Thò Thị Dính, sinh năm 2003, người Hà Giang, là học sinh nội trú Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau họng, khó nuốt, khản tiếng, đau ngực, đã được uống kháng sinh nhưng không đỡ, đến ngày 8/9, bệnh nhân được nhập viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng suy hô hấp - theo dõi bạch hầu. đến 16 giờ cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đi bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Ngay khi có thông tin về ca bệnh, Trường Cao đẳng công nghiệp Thái Nguyên đã lập tức phối hợp với các cơ sở y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch ngay tại trường học.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên cho biết: "Trước mắt chúng tôi cho phun khử khuẩn tất cả các khu vực như ký túc xá, nhà ăn, các giảng đường và các khu nhà hiệu bộ của nhà trường. Nhà trường có 4 khu ký túc xá K1-K2-K3-K4 thì nhà trường đã dành riêng một khu K1 phía sau để dành cho các cháu có biểu hiện và có tiếp xúc gần với cháu Dính và các cháu mà có biểu hiện bệnh".
Ngay khi phát hiện ca nghi mắc bệnh đầu tiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tổ chức khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh. Trong đó, 11 người có biểu hiện triệu chứng và yếu tố dịch tễ đã được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện A theo dõi và điều trị, đến cuối ngày 9/9, 1 bệnh nhân được cách ly theo dõi tại Bệnh viện Trung ương đã dương tính với bệnh bạch hầu.
Những người có biểu hiện triệu chứng và yếu tố dịch tễ được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên |
Bác sỹ Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Trung ương thái Nguyên cho biết: "Các bệnh nhân có tiếp xúc với trường hợp ca dương tính đã được chúng tôi thu dung và đưa vào khu vực cách ly, thực hiện đúng quy trình theo các phác đồ điều trị, được các bác sỹ rà soát lại, đồng thời chúng tôi liên hệ trực tiếp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục nắm bắt thông tin về những ca bệnh và sẵn sàng việc thu dung các ca bệnh tiếp theo".
Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và gây bùng phát thành dịch. Căn bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Thạc sỹ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo: "Trong thời điểm hiện tại chúng tôi cũng khuyến cáo người dân là cần tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không đặc hiệu ví dụ như là đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, tập trung đông người; thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi ra ngoài về nhà; áp dụng các biện pháp khác ví dụ như là tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống hợp lý. Để dự phòng đối với bệnh bạch hầu thì chúng ta đã từ lâu có vắc xin để phòng ngừa bệnh bạch hầu được triển khai tiêm cho tất cả các trẻ ở độ tuổi dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ rất nhiều năm nay. Đối với Thái Nguyên thì tỷ lệ tiêm chủng này cũng tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước, tuy nhiên thì chúng ta cũng cần phải cảnh giác là cũng không phải 100% những trường hợp này đều có thể là miễn dịch được với bệnh. Do vậy thì việc thực hiện đúng chỉ định về công tác tiêm chủng cho trẻ em cũng như là tiêm những mũi nhắc lại trong trường hợp cần thiết thì sẽ cần phải được hết quan tâm theo những hướng dẫn của cơ quan y tế tại từng thời điểm".
Để chủ động các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu, cùng với sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, mỗi người dân cần có ý thức tự phòng tránh cho bản thân và gia đình để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan thành dịch./.