Thái Nguyên: Nâng cao vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân
Hoạt động tại Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, TP Phổ Yên. |
Thiếu vốn làm ăn nên nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Quang ở xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên đã lựa chọn quỹ tín dụng nhân dân để đồng hành cùng gia đình trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “Khi mà quỹ tín dụng này thành lập thì phải nói là rất tiện lợi cho nhân dân chúng tôi, rất nhanh chóng và lãi suất cũng rất hợp lý cho nhân dân chúng tôi. Đi sâu vào chuyển đổi số cũng rất tiện, ví dụ như là không cần phải mang tiền mặt đến đây, hoặc là ở đây người ta cũng có thể chuyển vào trong tài khoản cho chúng tôi”.
Chỉ với 39 thành viên và trên 300 triệu đồng vốn ban đầu, đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, TP Phổ Yên đã có gần 2.000 thành viên với tổng nguồn vốn đạt trên 130 tỷ đồng. Địa bàn hoạt động không chỉ trong xã Tiên Phong, mà đã mở rộng ra 3 xã, phường lân cận. Cùng với đầu tư vào nguồn nhân lực và không ngừng nâng cao khả năng tài chính, đảm bảo thanh khoản, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các phần mềm quản lý và nghiệp vụ, chuyển tiền điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số…
Chị Hà Thị Ly, Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh thông tin: “Bên mình, tất cả nhân viên đều hướng dẫn khách hàng cài đặt phần mềm và chuyển đổi số. Ví dụ có thể hướng dẫn cách chuyển theo số tài khoản, hướng dẫn cách chuyển theo mã QR của đơn vị”.
Ông Tạ Trung Bình, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Yên Minh, TP Phổ Yên, cũng cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi năm 2023 là phát triển thêm 180 thành viên. Về quản lý hiệu quả, thì chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, và các chỉ tiêu an toàn là chúng tôi luôn đảm bảo”.
Quỹ tín dụng nhân dân Tân Cương, TPTN đi vào hoạt động được gần 5 năm. |
Sau gần 5 năm thành lập, bằng nhiều giải pháp tích cực, Quỹ tín dụng nhân dân Tân Cương, TPTN đã từng bước nỗ lực khắc phục khó khăn trong hoạt động kinh doanh tiền tệ - lĩnh vực nhạy cảm và đầy rủi ro, thách thức, nhất là trong điều kiện chính sách tiền tệ không ổn định, lãi suất tăng, giảm thất thường như hiện nay. Nhờ vậy, việc hoạt động của quỹ đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác huy động tiền gửi cũng như cho vay có nhiều sáng tạo, năng động trong cơ chế thị trường. Đến nay, quỹ đã có gần 600 thành viên với tổng nguồn vốn huy động trên 34 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Tân Cương, TPTN cho biết: “Trong nhiệm kỳ Đại hội tới 2023-2028, chúng tôi đặt ra một số mục tiêu cũng như là các chương trình phát triển để đồng hành cùng bà con, đặc biệt là công tác huy động vốn từ các nguồn của các ngân hàng hợp tác, điều hòa vốn về xã Tân Cương, để cho bà con có thể vay được nhiều hơn và mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng cao được cái đời sống nhân dân của bà con”.
Lợi thế của các quỹ tín dụng nhân dân là sát dân, người dân dễ tiếp cận vốn mà thủ tục lại nhanh, gọn. Phát huy sức mạnh của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là mục tiêu mà Liên minh HTX tỉnh hướng đến trong thời gian tới.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục là hỗ trợ cho các quỹ trong các hoạt động, nâng cao năng lực cho hoạt động của các quỹ, cũng như hỗ trợ quỹ, để tuyên truyền vận động, để hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, cũng như là trợ giúp các thành viên của quỹ”.
Các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoạt động ổn định hiệu quả là chỗ dựa tin cậy của người dân khu vực nông thôn. Để nhân rộng mô hình này thì không chỉ cần sự giúp đỡ chung tay và ủng hộ của bà con nông dân, mà rất cần sự tiếp tục vào cuộc của Liên minh hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên.