Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong y tế
Các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tập trung áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị bệnh. |
Việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc, điều trị y tế vừa giúp nâng cao tay nghề cho các y, bác sỹ, vừa giúp người bệnh có thêm những lựa chọn tối ưu để điều trị, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.
Ông Phan Văn Luyến, ở thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ có viên sỏi thận bên trái với kích cỡ 3cm, nhờ ứng dụng kỹ thuật tán sỏi thận qua da không gây đau đớn cho người bệnh như phương pháp mổ phanh.
Ông Phan Văn Luyến chia sẻ: "Trước đây nếu mổ phanh tôi thấy 3-4 ngày vẫn phải có người hỗ trợ mới ngồi dậy được, bây giờ mổ nội soi tôi thấy rất thoải mái, yên tâm".
Việc ứng dụng các thành tựu y học hiện đại không những góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong ngành Y tế, mà trên hết là mang lại lợi ích cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. |
Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã có các máy móc hiện đại như: dao Gama, cộng hưởng từ, siêu âm màu 4 chiều, chụp X-quang kỹ thuật số, CT scaner, laze, Doppler tim mạch… và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, như: Kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim; thụ tinh trong ống nghiệm; tán sỏi thận qua da; lọc máu liên tục trong cấp cứu.
Bác sỹ Nguyễn Đức Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Sắp tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới như: cắt đốt điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng nội soi; điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần".
Bác sỹ Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Nguyên cho hay: "Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học Cổ truyền giúp nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Chúng tôi đã rút ngắn được thời gian điều trị nội trú cho người bệnh. Người bệnh vào khám, điều trị tại bệnh viện tăng dần theo từng năm".
Bên cạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, thời gian vừa qua, các đơn vị y tế cũng tích cực ứng dụng công nghệ công tin để áp dụng chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh.
Bác sỹ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, Thái Nguyên cho hay: "Bệnh viện đã chuẩn bị tốt về nhân lực, phần mềm, phần cứng để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của toàn ngành cũng như toàn quốc".
Ông Dương Văn Ký, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên chia sẻ: "Thực hiện chuyển đổi số, chỉ cần trình căn cước công dân là được tiếp nhận khám, chữa bệnh rất thuận tiện, nhanh gọn".
Thời gian tới, ngành Y tế Thái Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt là các cán bộ có trình độ chuyên môn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Đề án y tế thông minh. Trước mắt, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số./.