Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tại điểm cầu Tỉnh Thái Nguyên |
Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị và tổ chức hội liên quan.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến ngày 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt trên 373.000 tỷ đồng, tăng trên 238.300 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%. Các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng trên 43.500 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.
Tại tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2014 - 2024, đã có 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai thực hiện với tổng doanh số cho vay đạt trên 10.000 tỷ đồng, trên 311.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đã đạt được, để đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chỉ thị số 40, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn qua Ngân hàng CSXH; tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn lực; duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.