Tại sao lại cần duy trì kì thi THPT quốc gia?
Việc xét tốt nghiệp kết hợp 50% điểm số trong học bạ cũng tạo ra những kẽ hở khiến cho một số địa phương có tình trạng nâng điểm khống cho học sinh. |
Nhìn nhận về công tác tổ chức và chất lượng của kì thi THPT quốc gia năm 2018, thầy Vũ Khắc Ngọc – một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về kỳ thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng ở Hà Nội cho rằng: “Kì thi THPT quốc gia năm nay có các sai phạm xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình nghiêm trọng cả về số lượng và mức độ trong bài thi được sửa điểm. Do vậy, sẽ không thuyết phục nếu chúng ta dùng từ “thành công” với kì thi này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận trên bình diện lớn hơn, với gần 1 triệu thí sinh tham gia kì thi thì sai phạm kể trên là không đáng kể và kết quả của kì thi THPT quốc gia vẫn là một thông số quan trọng và đáng tin cậy để các trường Đại học lấy làm cơ sở xét tuyển đầu vào.”
Xét về quy trình tổ chức, rõ ràng khi đã xảy ra sai phạm ai cũng thấy rằng vẫn tồn đọng những lỗ hổng, kẽ hở trong kì thi. Song nhìn chung quy trình thi từ khâu ra đề, bảo quản đề, coi thi và chấm thi đều rất chặt chẽ, có thể nói là còn có phần chặt chẽ hơn kì thi “3 chung” trước đây.
Chúng ta nên nhìn nhận những lỗ hổng sai phạm này đều xuất phát từ yếu tố con người, những yếu tố mà chúng ta chưa lường trước được và cũng không nên vì thế mà phủ nhận đi những tiến bộ trong kì thi THPT quốc gia.
Cần giữ ổn định kì thi THPT quốc gia
Trên cơ sở đưa ra những nhận định của kì thi THPT quốc gia năm 2018, thầy Vũ Khắc Ngọc cũng bày tỏ ý kiến về việc cần và nên duy trì một kì thi quốc gia chung trên cả nước với ba lí do:
Thứ nhất, việc đào tạo một học sinh cũng giống như một quá trình sản xuất, trong đó bắt buộc phải có khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Kì thi THPT quốc gia chính là khâu kiểm tra cuối cùng của một công dân để đánh giá mức độ “đạt chuẩn” trước khi bước vào xã hội, nó chính là đầu ra của giáo dục. Nếu chúng ta bỏ qua khâu này hoặc làm một cách hời hợt thì chắc chắn chất lượng nền giáo dục đất nước sẽ đi xuống rất nhiều.
Đặc biệt là trong thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta rất cần một kì thi như kì thi THPT quốc gia đó là một kì thi chung toàn quốc, chung đề, chung đợt, chung kết quả. Kết quả của kì thi không chỉ là căn cứ quan trọng tạo nguồn tuyển cho các trường Đại học, Cao đẳng mà còn là dịp để toàn xã hội có thể nhìn nhận lại chất lượng đào tạo, học tập của học sinh trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Rõ ràng nếu không có một kì thi chung với kết quả được công khai, minh bạch như kì thi THPT quốc gia, chúng ta sẽ không thể nào phát hiện được những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Chỉ khi kỳ thi được tổ chức thống nhất, với cùng đề thi chúng ta mới có cơ hội để so sánh, phân tích chất lượng và kết quả giáo dục của địa phương này với địa phương khác từ đó dễ dàng đưa ra các đánh giá, khuyến nghị để điều chỉnh chính sách cũng như phát hiện ra các bất thường, tiêu cực.
Thứ hai, ở nước ta hiện nay khâu đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra cuối kì vẫn chưa đạt được độ tin cậy cao, nhất là nếu như bây giờ chúng ta lại gán cho những điểm số ấy những quyền lợi.
Đặt trường hợp bỏ kì thi THPT quốc gia, để cho các trường Đại học và Cao đẳng xét tuyển bằng học bạ thì chắc chắn kết quả ghi trên học bạ sẽ kém trung thực, thậm chí nếu chúng ta chỉ sử dụng kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT cũng đã xảy ra tình trạng nâng điểm, sửa điểm và lúc đó vấn đề sai phạm sẽ còn xảy ra nghiêm trọng hơn nhiều, mức độ kiểm soát vấn đề sẽ càng khó khăn hơn.
Thứ 3, đặt trong bối cảnh cả nước có hơn 200 trường Đại học và Cao đẳng, nhưng đa số các trường đều chưa đủ điều kiện để có thể tự tin trong tự chủ tuyển sinh, tự tổ chức thi. Đơn cử như Đại học Quốc gia sau rất nhiều năm nỗ lực, xây dựng một kì thi đánh giá năng lực cũng chỉ tổ chức và duy trì được trong 2 năm, sau đó cũng phải dừng lại.
Hơn nữa, chúng ta đang trong quá trình đổi mới Giáo dục Đại học để các trường Đại học, Cao đẳng tự chủ trong nhiều khía cạnh không chỉ là về tuyển sinh mà còn các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và rất nhiều yêu cầu khác cần ưu tiên hơn. Do vậy, trong thời điểm hiện tại một kì thi quốc gia độc lập với các trường đại học vẫn là điều hết sức cần thiết.
Thầy Vũ Khắc Ngọc |
Thắt chặt đầu ra, nâng chất lượng xét tốt nghiệp
Từ thực tiễn kết quả của kì thi THPT quốc gia năm 2018 và để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia năm 2019, thầy Vũ Khắc Ngọc đưa ra ý kiến cần phải siết chặt hơn nữa những tiêu chuẩn đầu ra của kì thi hay nói cách khác là cần phải nâng ngưỡng chuẩn đầu ra cho học sinh. Thực tế, trong bài thi trắc nghiệm hiện nay, tỉ lệ xác suất khoanh bừa được đáp án đúng của học sinh là 2.5 điểm tuy nhiên điểm liệt là 1 điểm, rõ ràng chúng ta đang buông lỏng để học sinh dễ dàng vượt qua ngưỡng điểm liệt đó.
Bên cạnh đó, việc xét tốt nghiệp kết hợp 50% điểm số trong học bạ cũng tạo ra những kẽ hở khiến cho một số địa phương có tình trạng nâng điểm khống cho học sinh. Nên chăng, vào thời điểm hiện tại khi mà chất lượng kiểm định giáo dục ở các địa phương còn chưa thực sự tốt chúng ta có thể bỏ đi yếu tố học bạ khi xét tuyển tốt nghiệp.
Duy trì một kì thi chung trên toàn quốc trong năm 2019 và nhiều năm sau nữa là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và thực tế của nền giáo dục Việt Nam. Những sai phạm trong kì thi THPT quốc gia năm 2018 là bài học để chúng ta rút ra kinh nghiệm, hoàn thiện hơn nữa về mặt quy trình, tổ chức cho chặt hơn. Đó là tiền đề để có được một kì thi quốc gia công khai, minh bạch, đáng tin cậy và nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội.