Sử dụng cabin mô phỏng trong đào tạo lái xe ô tô
Rất nhiều tình huống có thể chưa được trải qua ngoài thực tế, học viên sẽ được thực hành trên cabin mô phỏng. |
Lái xe trong tình trạng thời tiết xấu, đường đồi núi, sương mù hay ngập nước. Rất nhiều tình huống có thể chưa được trải qua ngoài thực tế, học viên sẽ được thực hành trên cabin mô phỏng. Qua thời gian thực hành, được tiếp cận với các tình huống giao thông giả định, mỗi học viên sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào các học phần tiếp theo.
Chị Nguyễn Thị Minh Thảo, tổ 16, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Qua quá trình thực hành trên cabin mô phỏng dành cho học viên học lái xe, tôi thấy các tình huống diễn ra rất thực tế như: đi trong hầm, đi ở đồi núi và khu vực đông dân cư, vừa tiết kiệm thời gian, vừa nâng cao khả năng phán đoán, xử lý tình huống trên thực tế".
Anh Vũ Ngọc Anh, Khoa Ô tô Thái Nguyên, Phân hiệu Đào tạo Việt Bắc, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam cho biết: "Với các tình huống thiết kế như thực tế ở ngoài xe chạy để các học viên có thể làm quen cũng như nâng cao kỹ năng từ đường cao tốc đến đường trong hình, đường trơn lầy, đường sương mù và những tình huống này không phải lúc nào trong quá trình đi học chúng ta cũng được tiếp cận".
Qua thời gian thực hành, được tiếp cận với các tình huống giao thông giả định, mỗi học viên sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào các học phần tiếp theo. |
Bên cạnh điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, thì kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý các tình huống cũng hết sức quan trọng, quyết định sự an toàn khi tham gia giao thông.
Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông vận tải quy định, mỗi học viên học lái xe ô tô phải có tối thiểu 04 giờ thực hành các bài cơ bản trên cabin mô phỏng. Căn cứ vào lưu lượng cũng như dự báo nhu cầu đào tạo thực tế của từng đơn vị, các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các quy định của Thông tư này.
Ông Hoàng Minh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cho biết: "Mới tiếp cận nên một số giáo viên, học viên cũng bỡ ngỡ, tuy nhiên, sau khi được thầy cô hướng dẫn thì học viên đã nâng cao hơn nữa trong công tác kỹ năng và thực hành đào tạo lái xe ô tô".
Ông Phạm Thế Hà,Phân hiệu Đào tạo Việt Bắc, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam cho hay: "Bắt đầu khai thác từ 1/1/2023 và đến nay hoạt động của thiết bị này đã ổn định và đảm bảo theo lưu lượng và cơ sở vật chất".
Ông Phạm Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ cho hay: "Lắp cabin điện tử số lượng phải phù hợp với lưu lượng của nhà trường và chúng tôi dự kiến lắp 3 cabin điện tử để đảm bảo hoạt động đào tạo được thông suốt và đảm bảo cho các học viên đủ giờ học cabin điện tử".
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Để tăng cường công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị tổ chức giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình theo quy định.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên thông tin: "Chúng tôi đã đôn đốc các cơ sở đào tạo thường xuyên nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiện toàn đội ngũ giáo viên, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe của các cơ sở đào tạo".
Việc các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới tại Thái Nguyên thực hiện tốt các yêu cầu của Thông tư 04 về sử dụng cabin mô phỏng góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới./.