Siết quản lý, dân buôn hàng “xách tay” hẹp cửa làm ăn?
Theo một đầu nậu chuyên buôn hàng xách tay tiết lộ, các mặt hàng này về Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không như: qua đội ngũ tiếp viên hàng không xách tay theo mỗi chuyến bay từ nước ngoài về, qua công ty vận chuyển chuyên nghiệp bằng đường hàng không và qua tay các đầu nậu đi nước ngoài theo diện đi du lịch.
Siết quản lý, dân buôn hàng “xách tay” hẹp cửa làm ăn |
Với những hình thức này, nhiều tỷ đồng hàng hóa đã được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ mà không bị mất một loại thuế nào. Do đó, việc 5 Bộ cùng vào cuộc, tăng cường siết chặt “hàng xách tay” núp bóng quà tặng, quà biếu để trốn thuế sẽ gây khó khăn nhất định cho dân buôn mặt hàng này.
Chị Đ.T.L, chủ shop chuyên hàng “xách tay” Nhật, Mỹ, Đức, Pháp tại phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mấy tuần gần đây, hàng hóa về khá chậm do quy định siết chặt hàng xách tay dưới dạng quà tặng, quà biếu.
“Có một số mặt hàng cả tháng nay không về nên rất nhiều khách hỏi mà không có để bán, như sữa tươi dạng bột A2 của Úc, trước kia hàng về rất đều nhưng đợt vừa rồi về đến hải quan của mình lại bị ách lại chứ không được thông quan”, chị Đ.T.L nói.
Không chỉ xuất hiện ở các cửa hàng, hàng “xách tay” còn được quảng cáo và bán công khai trên các trang mạng xã hội như: facebook, shopee, fanpage... Ngoài những mặt hàng như: sữa, bánh, thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo… gần đây, còn có nhiều trang facebook công khai bán các loại thuốc chữa bệnh có xuất xứ từ Đức, Mỹ, Pháp, Úc, Canada.
Hàng xách tay được bày bán rất phổ biến trên các trang mạng xã hội |
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, “hàng xách tay” chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Ông đơn cử như ở phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) được ví như “thiên đường hàng xách tay ở Hà Nội”. Tại đó, hàng xách tay được bày bán tràn lan, hàng tốt cũng có mà không tốt cũng có, giá cả trên trời. Trong khi các mặt hàng đó đều không có chứng từ, hóa đơn nên không thể truy xuất nguồn gốc.
“Ở siêu thị dù chỉ một lọ tăm cũng phải chịu thuế VAT, trong khi hàng xách tay lớn hay nhỏ đều không phải chịu thuế, cũng không phải đóng góp cho ngân sách nhà nước và không ai có thể bảo đảm chất lượng của loại hàng hóa này, nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa…”, ông Phú cho biết.
Theo ông Vũ Vinh Phú, sở dĩ hàng “xách tay” có sức hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong 1-2 năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
“Giờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 5 Bộ tăng cường quản lý hàng xách tay, Tổng cục Hải quan cũng ra văn bản siết hàng xách tay. Văn bản ra là 1 chuyện nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào? Quản lý thị trường trên từng địa bàn có làm không hay lại bảo kê cho họ? Chúng ta yếu không phải bởi vì thiếu văn bản mà do tổ chức thực hiện", ông Vũ Vinh Phú trăn trở.
Có một thực tế là mối liên kết giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện hàng giả “đội lốt” hàng xách tay còn chưa đồng bộ, khiến hiệu quả chưa cao. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong khi chờ đợi sự chủ động trong kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng thì sự thông thái của người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Có như thế, mọi người mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cũng như hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái có “đất sống” trên thị trường./.
Theo Tổng cục Hải quan, có tình trạng lợi dụng chính sách thuế ưu đãi với mặt hàng quà biếu, quà tặng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế. Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh vào cuộc thắt chặt quản lý các mặt hàng “xách tay” như điện thoại di động, laptop, đồng hồ, túi xách, đồ gia dụng… Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có văn bản chỉ đạo 5 Bộ: Tài chính, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an về việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam./. |