Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). |
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 5 phần, 11 chương và 176 điều. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Chỉ thị số 28 ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thể hiện rõ tính nhân văn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các đại biểu cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật (bao gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự); về biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng; các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; quy định 04 loại hình phạt áp dụng với người chưa thành niên phạm tội (gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn)…
Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng, ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.
Cho rằng dự thảo được chuẩn bị công phu, các quy định cơ bản thống nhất với 3 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Các ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để có cơ sở xây dựng các quy định bảo đảm chất lượng, khả thi; nghiên cứu, bám sát các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa…/.