Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Toàn cảnh kỳ họp.

Đối với Tờ trình, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự nhất trí cao về sự cần thiết của dự thảo Luật này và góp ý nhiều nội dung cụ thể, thiết thực với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao. Đồng thời, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc về thực tiễn thi hành, đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tính đặc thù trong nhiều quy định của dự án Luật áp dụng đối với người chưa thành niên (người chưa thành niên có hành vi phạm tội, người chưa thành niên là người bị hại, người chưa thành niên là nhân chứng)…

Ngay sau phiên họp này, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ có Báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội gửi các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội; Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị, tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi, làm rõ thêm các nội dung, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiếp thu và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 08 vào tháng 10/2024.

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024, Luật Nhà ở số 27/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024./.