Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63, Nghị quyết số 74 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giảm các khoản chi không cần thiết để bổ sung nguồn lực chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả đã tiết kiệm được gần 54 tỷ đồng, Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ. Một số doanh nghiệp có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công tác cải cách hành chính được quan tâm; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm và việc giải ngân gói hỗ trợ theo nghị quyết 43 mới đạt 26% kế hoạch. Đây là vấn đề Chính phủ cần nhìn nhận để có giải pháp quyết liệt thực hiện, tránh lãng phí nguồn lực .

Tiếp đó, Thảo luận tại hội trường về chương trình Xây dựng Luật pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2023, các ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên, cũng đề nghị cần kiên quyết hơn nữa, chỉ đưa vào chương trình những dự án luật thực sự cần thiết, đồng thời cần tính đến số lượng tối đa các luật được đưa vào chương trình trong từng kỳ họp, để không bị quá tải về số lượng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của văn bản luật.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội tiếp tục nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giá (Sửa đổi), những nội dung lớn của dự thảo Luật được các ĐBQH quan tâm, gồm: quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật; tên gọi của Luật; việc áp dụng pháp luật; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; các quy định về bình ổn giá, định giá; hiệp thương giá; kê khai, niêm yết, tham chiếu giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; thẩm định giá; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá đã được cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.