Thế giới đều nghĩ rằng chính quyền Triều Tiên đang hành động điên rồ với tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom hạt nhân. Còn nước Mỹ dường như ở vị trí ‘nạn nhân’ với mối đe dọa bị nhấn chìm trong biển lửa. Nhưng bản chất của sự việc hoàn toàn ngược lại.

Vấn đề không chỉ là truyền thông quốc tế phác họa chân dung xấu xí của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và đất nước Triều Tiên không có lý trí. Vấn đề còn là việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng nghĩ như thế.

Hồi tháng Tư, nghị sỹ Mỹ Bradley Burne phát biểu: “Tôi không tin các nhà lãnh đạo Triều Tiên là những người có lý trí. Bạn phải cư xử với những người như vậy như thế nào?” Ông này lặp lại lời của đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley từng nói “Chúng ta đối phó với với một người không bình thường”. Kể từ đó, bà gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là người “hành động thiếu lý trí, một người không tư duy một cách rõ ràng.” Và những nhận định như vậy đã điều chỉnh cái nhìn của nước Mỹ và cả thế giới về chế độ ở Triều Tiên.

phuong tay dang co ve hinh anh that quotxau xiquot ve ong kim va trieu tien

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Thực tế, nhìn từ bên ngoài, chế độ ở Triều Tiên có thể rất kỳ dị với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ. Nhưng những gì mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang làm là có một mục tiêu rõ ràng: Duy trì sự tồn tại và phát triển ổn định cho chế độ ở Triều Tiên.

Nhìn họ như những người điên rất không ổn, thậm chí là nguy hiểm. Một chính sách với quốc gia này được coi là thành công phải dựa vào sự nhận thức về logic của đối thủ, chứ không phải là tập trung loại bỏ nó như một thứ “điên rồ, không lý trí”. Cư xử với các nhà lãnh đạo Triều Tiên như vậy là thiếu khôn ngoan càng khiến họ trở nên nguy hiểm hơn. Nhưng quan trọng hơn, nước Mỹ sẽ có những trông đợi không thực tế về việc thỏa hiệp.

Bất chấp sự cô lập của thế giới, nhà nước Triều Tiên vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước này như nhiều thập kỷ qua. Họ đã vượt qua nạn đói, không còn nhiều bạn bè, đồng minh trong khi phải đối mặt với siêu cường thế giới. Triều Tiên đang có rất nhiều mối lo cần phải giải quyết và mọi hành động của họ đều nhằm giải quyết những nguy cơ này.

Hơn tất cả, nhà nước Triều Tiên luôn lo ngại một cuộc tấn công từ bên ngoài. Đây là thứ mà ông nội và cha của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã luôn lo lắng kể từ khi lập quốc. Hãy nhìn vào số phận của cố tổng thống Iraq Saddam Hussein, hay các nhà lãnh đạo Taliban ở Afghanistan, những người từng được các quan chức Mỹ ‘xếp hạng’ cùng với Bình Nhưỡng.

Nhưng bài học đắt giá nhất với Bình Nhưỡng chính là cái kết của nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi. Năm 2003, nhà lãnh đạo quyền lực ở Lybia đã đồng ý chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại những lợi ích kinh tế hào phóng của phương Tây – một điều không tưởng với quốc gia thù địch với Mỹ. Nhưng khi Mùa Xuân Arab nổ ra ở Lybia năm 2011, vùng cấm bay của NATO đã giúp kết thúc sự tồn tại của chế độ và sinh mạng của chính ông Gaddafi.

Kim Jong Un vì thế xem chương trình hạt nhân là sự tự vệ đơn thuần. Đơn giản bởi ông đang phải giải quyết những thứ nằm ngoài tầm với: Hiệp ước an ninh giúp Mỹ bảo vệ nước láng giềng Hàn Quốc, và Nhật Bản; ưu thế vượt trội về kinh tế và công nghệ của Seoul. Mọi sự chần chừ hay mềm yếu sẽ phải trả giá. Giải pháp hạt nhân là phương tiện răn đe số một.

Kể từ khi lên nắm quyền, định hướng chính sách của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, vì thế, luôn cụ thể và xoay quanh việc đảm bảo chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn của quốc gia (cho dù đôi khi ông bị chỉ trích là quá khắc nghiệt, tàn bạo). Dĩ nhiên, nó cũng đặt Triều Tiên trước những rủi ro, ví dụ các cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ.

Nhưng rủi ro không phải là mất lý trí, bởi tới lúc này các chính sách đó vẫn buộc Mỹ và các nước láng giềng phải thận trọng với Triều Tiên. Đó chính là vấn đề căn bản của sự sinh tồn.

Dựa trên nguyên tắc của các hiệp ước quốc tế hạt nhân và vũ khí, Triều Tiên đáng bị trừng phạt. Nhưng nếu xét theo tiêu chí cơ bản về quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, đất nước này không sai.

Những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump hay tập trận Mỹ - Hàn khó có thể là giải pháp để buộc Bình Nhưỡng dừng bước. Áp lực phải đi kèm lý do thích hợp để nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể thỏa hiệp. Đó là điều mà Triều Tiên vẫn đang đi tìm kể khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc: sự công nhận quốc tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Hiển nhiên cả hai lựa chọn này không dễ thực hiện. Mỹ cũng có thể ‘xuống nước’và ngồi vào bàn để mời gọi Triều Tiên cùng ‘xuống thang’. Nhưng sẽ là viên thuốc rất đắng với Tổng thống Donald Trump./.