Phú Lương giảm nghèo cho người dân từ mô hình nuôi trâu sinh sản
au khi nhận trâu giống, bà Ma Thị Cát cùng gia đình chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y. |
Là hộ cận nghèo, tháng 7/2023, gia đình bà Ma Thị Cát, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, được hỗ trợ trâu cái sinh sản. Sau khi nhận trâu giống, bà Cát cùng gia đình chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y.
Bà Ma Thị Cát chia sẻ: "Gia đình tôi cố gắng chăm nuôi để trâu phát triển tốt với mong muốn kinh tế phát triển hơn".
Các hộ được nhận trâu giống và cơ quan chuyên môn đều đánh giá: nuôi trâu là giải pháp tốt để giảm nghèo và phù hợp với điều kiện, nguồn thức ăn ở các địa phương vùng sâu, vùng cao…
Anh Ma Văn Đã, xóm Kết Thành, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương cho hay: "Ở miền núi có đất trồng cỏ, có điều kiện nuôi nên trâu phát triển rất tốt".
Nuôi trâu là giải pháp tốt để giảm nghèo và phù hợp với điều kiện, nguồn thức ăn ở các địa phương vùng sâu, vùng cao… |
Để chương trình được triển khai hiệu quả, các cơ quan chuyên môn đã cùng phối hợp để chọn đúng đối tượng được hỗ trợ, tuyển chọn trâu giống kỹ lưỡng. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Ông Phan Hải Đăng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương cho hay: "Quy trình chọn trâu cẩn thận; chọn hộ, tập huấn cho họ quy trình nuôi, cách chăn trâu".
Chương trình Hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2023 với tổng nguồn vốn thực hiện gần 1,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí được phân bổ thực hiện tại xã Hợp Thành là gần 500 triệu đồng - hỗ trợ cho 17 hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi trâu sinh sản. Số kinh phí còn lại với trên 1 tỷ đồng được phân bổ cho xã Yên Ninh và Yên Lạc trong năm nay. Để đảm bảo thành công của Chương trình, hiện tại các đơn vị thực hiện đang nỗ lực lựa chọn đúng đối tượng được thụ hưởng; chọn trâu cái giống, đảm bảo hướng tới duy trì ổn định việc làm, phát triển sinh kế người dân./.