Phụ huynh hốt hoảng vì sách dạy trẻ làm thí nghiệm gây… cháy nổ
Trong các bài hướng dẫn làm thí nghiệm vui 5 có tên “Phóng tên lửa”, thí nghiệm vui 7 về Núi lửa phun trào đều mắc lỗi nghiêm trọng có thể gây nguy cơ cháy nổ nếu thực hiện theo. Trong sách, thí nghiệm này hướng dẫn các em dùng Natri (ký hiệu hoá học là Na) để tạo phản ứng. Sách hướng dẫn: Sau khi dùng đất nặn tạo thành hình ngọn núi lửa, sẽ đổ vào miệng núi lửa hai thìa Natri. Khi làm dung nham, các em sẽ hoà vào trong cốc một chút giấm, một chút bột màu đỏ và vài giọt chất tẩy. Sau đó, đổ từ từ dung dịch vào miệng núi lửa, dung dịch sẽ sôi lên…
Thí nghiệm vui 7 về Núi lửa phun trào in trong sách có nội dung sai tên hoá học (ảnh PH chụp) |
Nhiều giáo viên Hóa học được xem công thức và hình ảnh trong sách hướng dẫn đều cho rằng có thể sách đã nhầm lẫn tại hại ở tên của hoá chất. Nếu đúng phải dùng Natri hiđrocarbonat (NaHCO3) còn được biết đến với tên gọi baking soda.
Theo ThS Phùng Quán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), hai chất Natri và Natri hidrocarbonat là khác nhau. Trong khi NaHCO3 khi đổ vào nước chỉ sủi bọt nhẹ, tạo hình ảnh tương tự như hiện tượng núi lửa phun trào nham thạch. Nhưng Natri khi gặp nước sẽ phản ứng mạnh dễ dẫn đến cháy nổ.
Ông Quán cho rằng với người lớn, việc sử dụng Natri trong phòng thí nghiệm bất cẩn đã dễ dàng xảy ra cháy nổ, huống hồ là trẻ nhỏ. Trong những thí nghiệm này, sách hướng dẫn dùng đến hai thìa Natri, đây là một lượng không nhỏ, có thể gây cháy nổ phá hủy cả căn nhà.
Ths Hóa học Phùng Quán cũng giải thích thêm: “Natri hiđrocacbonat hay natri bicacbonat là tên gọi phổ biến trong hóa học. Do được sử dụng rất rộng rãi trong thực phẩm nên nó có nhiều tên gọi, bread soda, cooking soda, bicarbonate of soda. Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường, tên của nó được rút ngắn xuống còn natri bicarb, bicarb soda, hoặc chỉ đơn giản là bicarb. Trong ngành thực phẩm còn được biết đến với tên baking soda. Nó có công thức hóa học NaHCO3”.
“Trong khi đó, dạng bột của natri là chất nổ mạnh trong nước. Làm việc hay tiếp xúc với natri phải cực kỳ cẩn thận trong mọi lúc, mọi nơi. Natri phải được bảo quản trong khí trơ hay dưới các lớp dầu mỏ”, ông Quán .
Là người có chuyên môn về Hóa học, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó trường THPT Thành Nhân (TPHCM) xem hướng dẫn trong sách cũng tỏ ra lo lắng vì những hướng dẫn này sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho học sinh như phỏng, thương tích. Ông Độ cho biết, phòng thí nghiệm hóa ở các trường thường cho học sinh làm thí nghiệm bỏ Natri vào nước để chứng minh tính chất phản ánh mãnh liệt với nước của chất này. Tuy nhiên, giáo viên luôn dặn kỹ học trò là cẩn thận với thí nghiệm này và lượng Natri cho vào nước chỉ bằng hạt gạo.
Chiều ngày 20/4, một đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tân Việt (đơn vị giữ bản quyền và phát hành ấn bản này - PV) cho biết sau khi nhận được phản ánh, công ty đã rà soát lại sách và phát hiện 2 lỗi sai như phụ huynh đã phản ánh. Ngày 20/4 công ty đã ra văn bản chính thức thu hồi quyển sách này.