Phát triển kinh tế từ trồng tre lục trúc lấy măng
Anh Lâm Xuân Quang, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ đã bước đầu thành công với mô hình trồng cây tre lục trúc. |
Nhận thấy tiềm năng từ cây tre lục trúc nên năm 2014, anh Lâm Xuân Quang, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ đã mua gần 300 gốc ở Đài Loan về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, ban đầu do chưa có kiến thức nên cây không phát triển. Với quyết tâm thực hiện mô hình anh đã tìm tòi, đi học hỏi kinh nghiệm; nhờ đó, anh đã trồng thành công giống cây này, thu hái những lứa măng đầu tiên. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình lên 4ha với 4.000 gốc tre. Mỗi ha cho thu hoạch 15-17 tấn măng/năm. Anh Lâm Xuân Quang chia sẻ: "Hiện tại, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên địa bàn như những hộ dân đã mua giống cây của HTX ở trong xã, trong tỉnh, tất cả các nhà vườn vệ tinh ở trên toàn khu vực phía Bắc".
Măng lục trúc có vị giòn, ngọt mát, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau; chính vì thế, nhu cầu thị trường về loại măng này khá lớn. |
Măng lục trúc có vị giòn, ngọt mát, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau; chính vì thế, nhu cầu thị trường về loại măng này khá lớn. Từ đó nên năm 2022, anh Quang thành lập HTX Nông sản Vạn Lộc với 12 thành viên, trồng trên 10ha tre lục trúc. HTX thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con trên địa bàn và một số địa phương lân cận. Anh Lâm Xuân Quang cho biết: "Năm nay sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm chế biến chuyên sâu; mong muốn các cấp sở, ban, ngành hỗ trợ những nguồn vốn ưu đãi để HTX có động lực để phát triển mở rộng".
Mặc dù, đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao; tuy nhiên, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún chưa hàng hóa lớn, tập trung. Chính vì vậy, năm 2022, Hội Nông dân tỉnh giải ngân 1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 12 hộ nông dân trong HTX vay vốn để phát triển tre lục trúc thành hàng hóa lớn của địa phương.
Ông Bàn Trung Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Măng lục trúc có nhiều tiềm năng để phát triển, hiệu quả tương đối cao. Hướng phát triển là 12 hộ xây dựng thành mô hình, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân rộng mô hình làm hữu cơ, cố gắng xây dựng đạt tiêu chuẩn OCOP".
Cây tre lục trúc được đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với đó việc trồng măng lục trúc như một phương thức đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, loại cây này có khả năng tạo sinh khối nhanh, dễ tạo nguồn giống, có khả năng chắn gió, giữ đất cao, phát huy nhanh tác dụng phòng hộ. Vì vậy, đây là mô hình nông lâm kết hợp cần được nhân rộng trong thời gian tới./.