Ôtô nhập khẩu giá rẻ: Chưa kịp mừng, đã vội lo
Hiện mới chỉ có Honda Việt Nam đáp ứng các điều kiện mới để nhâp khẩu lô xe gần 2.000 chiếc vào Việt Nam trong năm 2018. |
2018 được coi là năm cực kì quan trọng và đầy thách thức đối với thị trường ôtô Việt Nam khi mà thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA (khu vực thương mại tự do ASEAN) giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc (nếu đáp ứng đủ các điều kiện về nội địa hóa tại nước sản xuất).
Tuy nhiên, quý I/2018 đã sắp hết, nhưng hiện mới chỉ có Honda Việt Nam thông báo đã hoàn thiện mọi thủ tục để thông quan lô xe gần 2.000 chiếc nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi toàn bộ các thương hiệu ôtô khác tại Việt Nam có các sản phẩm nhập khẩu đều chưa điều kiện để đưa xe về Việt Nam. Những quy chuẩn và thủ tục có trong Nghị Định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn 03/2018/TT-BGTVT còn khiến các hãng “toát mồ hôi” và chưa thể đáp ứng để nhập khẩu ôtô vào Việt Nam.
Chính vì vậy, cho đến thời điểm này, có thể nói người dân vẫn chưa thực sự có cơ hội được sở hữu với những mẫu xe được miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN, với mức thuế từ 30% trong năm 2017 về 0% trong năm 2018 này.
Và ngày 22/3 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ - Nguyễn Cao Lục đã kí văn bản số 2601/VPCP-CN gửi Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải, truyền tải ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu hai Bộ này liên quan nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để quản lí chất lượng đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Mazda tại Chu Lai |
Cụ thể, văn bản này yêu cầu hai Bộ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam đối với xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu, đảm bảo các yêu cầu quản lí nhà nước về tăng cường quản lí chất lượng xe nhập khẩu, đồng thời phù hợp với cam kết hội nhập khẩu quốc tế.
Trước đó, vào ngày 14/2, tại văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về việc Nghiên cứu biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nhập khẩu tăng đột biến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế; nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.
Việc chậm trễ có các văn bản quy chuẩn cho năm 2018 đã khiến người dân chưa thể tiếp cận được các dòng xe giá rẻ từ khu vực ASEAN. |
Bộ Tài Chính còn có nhiệm vụ rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế; rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.
Mazda và Hyundai có thêm nhà máy tại Việt Nam |
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ô tô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; đơn giản hóa các thủ tục kiểm định xe ô tô đưa vào lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.