Nỗ lực số hóa y tế tuyến cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 178/178 trạm y tế cơ sở đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh. |
Tại Trạm y tế xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, mỗi người dân khi tới khám tại đây đều được khai thác thông tin yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật vào hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân. Việc này giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời, từ đó chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân.
Bà Ma Thị Trâm, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ: "Điều kiện ở đây bây giờ cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm, máy móc thuận tiện. Y bác sĩ rất nhiệt tình, quan tâm, người dân đỡ vất vả".
Bác sỹ Hà Văn Pháo, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho hay: "Chuyển đổi số rất tốt, phục vụ cho công việc thống kê vào sổ khám bệnh. Hàng tháng, cập nhật số liệu trên hệ thống rất dễ cho cán bộ y tế cơ sở".
Thực hiện chuyển đổi số giúp các nhân viên của trạm trong quản lý, điều hành các hoạt động y tế cơ sở khoa học và chính xác hơn. |
Cũng giống như Trạm y tế xã Cúc Đường, hiện Trạm y tế xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên đã áp dụng các phần mềm về quản lý khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; tiêm chủng mở rộng; kiểm soát các bệnh không lây, bệnh truyền nhiễm... Thực hiện chuyển đổi số giúp các nhân viên của trạm trong quản lý, điều hành các hoạt động y tế cơ sở khoa học và chính xác hơn. Đồng thời, tạo thuận lợi trong việc thu thập, xử lý, phân tích thông tin thống kê y tế cho y tế tuyến trên.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên cho biết: "Nhờ có chuyển đổi số mà chúng tôi có thể khai thác tất cả các thông tin của bệnh nhân liên quan đến khám, chữa bệnh của bệnh nhân như quản lý sức khỏe bệnh nhân trên phần mềm. Đối với số liệu về quản lý sức khỏe và các hoạt động của Trạm y tế nói chung được quản lý chặt chẽ và lưu trữ rất lâu, có thể mở và xem vào bất cứ giai đoạn nào".
Toàn tỉnh hiện có 178/178 trạm y tế cơ sở đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện các trạm y tế cũng đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa.
Bác sĩ Nông Văn Ánh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết: "Phần hồ sơ sức khỏe điện tử do đồng bào điều kiện kinh tế còn khó khăn, điện thoại dùng chung, mạng điện thoại còn hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng; mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư mạng ở vùng sâu, vùng xa".
Bác sỹ Chuyên khoa II Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, Thái Nguyên thông tin: "Thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ, do vậy, một số trạm hoạt động chưa hiệu quả. Để nâng cao công tác chuyển đổi số cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm về kinh phí, nâng cấp trang thiết bị; đào tạo, tập huấn cán bộ y tế các xã".
Có thể thấy, việc số hóa y tế tuyến cơ sở là xu hướng tất yếu nhằm mang lại những đổi thay vượt bậc trong hoạt động quản trị, công tác khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, đây cũng chính là nền tảng vững chắc để tuyến y tế cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng y tế xã thông minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Y tế nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung./.