Những điểm mới môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Điểm mới về quan điểm xây dựng chương trình
Theo GS Vinh, đến nay Chương trình môn Lịch sử mới đã nhận được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, các thầy cô giáo ở các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó có cả các giáo viên trực tiếp đứng lớp, các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trên cả nước. Trên cơ sở đó, nhóm biên soạn đã có những điều chỉnh để hoàn thiện Chương trình.
Theo đánh giá của GS Vinh, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này có kế thừa một số ưu điểm của chương trình cũ.
“Có thể nói chương trình cũ đã phát huy được sứ mệnh giáo dục lịch sử cho nhiều thế hệ. Cho đến hôm nay, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đã đến lúc phải thay đổi chương trìnhcho phù hợp với bối cảnh mới”, GS Vinh cho hay.
rong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Chương trình môn Lịch sử là một trong số những chương trình môn có nhiều thay đổi. (ảnh minh họa Mỹ Hà) |
“Điểm mới quan trọng nhất trong cách tiếp cận xây dựng Chương trình là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực, cụ thể là phát triển năng lực chuyên môn lịch sử cho học sinh trên nền tảng hệ thống kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; giúp học sinh kết nối lịch sử với cuộc sống hiện tại”, GS Vinh nhấn mạnh.
Từ đó, môn Lịch sử góp phần vào việc xây dựng những năng lực cốt lõi và phẩm chất cho học sinh, đặc biệt là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, có thái độ trân trọng đối với các giá trị truyền thống, các di sản lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Điểm mới về cấu trúc nội dung
Kết cấu chương trình môn Lịch sử có những thay đổi về căn bản, GS Vinh cho biết.
Ở cấp Tiểu học (lớp 4, 5), những kiến thức sơ giản về Lịch sử là một hợp phần căn bản của môn Lịch sử và Địa lý. Ở cấp Trung học cơ sở, học sinh được học thông sử để nắm được dòng chảy của lịch sử Việt Nam qua các thời đại trong sự tương tác với lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới.
Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS được thiết kế theo mô hình tích hợp lịch sử thế giới lịch sử khu vực Đông Nam Á lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm khoảng 60% thời lượng của chương trình. Thí dụ: ở lớp 9, với bài Chiến tranh thế giới thứ hai, học sinh sẽ được học các nội dung sau đây: Chiến tranh thế giới thứ hai, Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.
Một số vấn đề trước đây SGK cũ chưa đề cập tới như: Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... tất cả các nội dung này cũng sẽ được nhắc tới trong SGK mới. (ảnh minh họa Mỹ Hà) |
Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng có những thay đổi
Theo GS Vinh, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá.
Mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là đối chiếu, so sánh năng lực học sinh đạt được với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và năng lực môn học Lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, để từ đó có những biện pháp cải thiện kịp thời hoạt động dạy học.
Đặc biệt về nội dung, một số vấn đề trước đây SGK cũ chưa đề cập tới như: Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... tất cả các nội dung này cũng sẽ được nhắc tới trong SGK mới.
Do thay đổi chương trình nên đối với giáo viên, phương pháp giảng dạy cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn. Giáo viên sẽ thông qua việc tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, giáo viên giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử” hay “người làm lịch sử” để khám phá kiến thức lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập và thực tiễn cuộc sống”, GS Vinh cho biết.