Nhóm MIKTA kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghị quyết của LHQ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát vụ phóng thử tên lửa ICBM Hwasong-14 tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 28/7. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Trong tuyên bố chung, ngoại trưởng 5 nước thành viên MIKTA đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, nhấn mạnh vụ việc này cùng với các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không chỉ vi phạm các nghĩa vụ của Bình Nhưỡng theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nền hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên cũng như với cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố cũng kêu gọi Triều Tiên ngay lập tức tuân thủ đầy đủ mọi nghĩa vụ quốc tế của mình, bao gồm việc thực thi các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo tuyên bố, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là việc đạt được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đều mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon nhận định hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để thảo luận về việc đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh Seoul đang nỗ lực thúc đẩy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại quốc phòng Seoul (SDD) do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức, Thủ tướng Lee Nak-yon cảnh báo thời gian còn lại không còn nhiều trước khi Triều Tiên hoàn thiện vũ khí hạt nhân và Hàn Quốc đã hạ quyết tâm ngăn chặn tham vọng này.
Mặc dù nhận định đối thoại luôn là một giải pháp tối ưu, song ông tin rằng hiện là thời điểm để gia tăng các biện pháp trừng phạt ở mức tối đa đối với Triều Tiên trong khi vẫn bảo lưu các lựa chọn quân sự.
Cũng theo Thủ tướng Lee Nak-yon, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khẩn để thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên, và Tổng thống nước này Moon Jae-in cũng đang kêu gọi các nước láng giềng ủng hộ quan điểm trên, bao gồm việc cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ và ngoại tệ cũng như cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Theo ông, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh Đông Bắc Á mà còn với an ninh thế giới, do đó cộng đồng quốc tế cần nỗ lực phối hợp hành động trong việc giải quyết hồ sơ Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cùng ngày cho biết sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thương mại với Triều Tiên theo cách thức đảm bảo mang lại lợi ích cho nền hòa bình, sự ổn định và tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Cũng liên quan đến vấn đề Triều Tiên, cũng trong ngày 7/9, ông Markus Garlauskas, một quan chức tình báo Mỹ về vấn đề Triều Tiên tại Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia, đã kêu gọi các nước thận trọng và lường trước những tính toán sai lầm có thể có của Triều Tiên.
Theo ông ông Garlauskas, những động thái bất ngờ tiềm ẩn từ các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho an ninh khu vực.
Trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Bình Nhưỡng, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định khả năng bùng phát các cuộc xung đột quân sự trong khu vực này đã tăng lên song vẫn ở mức thấp.
Hãng này dự báo trong trường hợp xảy ra một cuộc đụng độ quân sự chớp nhoáng và có thể kiểm soát, chỉ số tín nhiệm đối với nền kinh tế Hàn Quốc, với các "bộ đệm" thanh khoản tốt, có thể không bị ảnh hưởng nhiều dù diễn biến này sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính, cũng như có khả năng dẫn đến tình trạng chảy vốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu xảy ra một cuộc xung đột kéo dài, Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế và tài chính nặng nề hơn, và các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ chịu áp lực lớn hơn.
Moody's nhận định nếu viễn cảnh này xảy ra, xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Đông Á này có thể bị hạ xuống một vài bậc./.