Nhiều trường tư thục phản ứng cách tuyển sinh “bó hẹp” của Hà Nội
Nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt gánh nặng về sĩ số cho các trường công lập và giảm chi ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi để tự chủ xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên nhưng các trường tư thục vẫn phải phụ thuộc vào chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh theo sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Chính những bất cập này khiến nhiều trường tư thục chất lượng cao khó xây dựng phương án đầu tư phát triển và phụ huynh rất khó chọn trường học cho con.
Đó là những ý kiến được lãnh đạo nhiều trường tư thục từ cấp Tiểu học đến THPT trên địa bàn Hà Nội nêu ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp tuyển sinh trường tư thục” được tổ chức sáng 26/4.
Bà Nguyễn Thị Hiền |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội đã dẫn lại nội dung công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với các trường tiểu học, THCS phải tuyển sinh vào đúng ngày quy định từ ngày 1 đến 3/7.
Tuy nhiên, với thời gian này, nói một cách rất nghiêm túc, không trường tư thục nào không có động thái tuyển sinh trước ngày này. Nếu cứ quy định như thế này thì cái khó không phải rơi vào các trường mà chính là phụ huynh học sinh.
“Hiện chúng tôi đã cho phụ huynh đăng ký tuyển sinh trên mạng thì con số lên tới hơn 2.000 mà chỉ tiêu của trường chỉ có 500. Nếu như chỉ ngày 1/7 nhà trường mới được tuyển sinh thì rất khó khăn cho phụ huynh. Chúng ta phải đặt trong tâm thế của phụ huynh đắn đo như thế nào khi chọn trường tư thục hay công lập, trong hệ thống thì trường này hay trường kia. Thường thì trước 1 năm, họ đã quan tâm đến việc chọn trường cho con. Họ không biết trường này trước 1/7 có nhận con mình không, nếu không nhận con mình thì còn chọn trường khác.
Vì thế, việc tuyển sinh cùng 1 ngày gây khó khăn cho phụ huynh thì bắt buộc các trường phải “lách”. Nếu không lách thì chúng tôi gây khó khăn cho phụ huynh. Thực tế, chúng tôi có nhiều cách “lách” để tuyển sinh. Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách của Sở GD-ĐT nhưng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho phụ huynh và học sinh”, bà Nguyễn Thị Hiền nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) bày tỏ, hiện nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở TP HCM, hệ thống trường tư thục đã được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, ở Hà Nội điều này vẫn là trong mơ với các trường tư thục, đặc biệt trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6.
“Các nhà quản lý chưa đặt mình trong tâm thế của phụ huynh và học sinh. Trước khi con cái vào lớp 1, lớp 6, tâm lý của cha mẹ bao giờ cũng đi tìm hiểu, tìm trường cho con mình học từ những năm trước.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội lại có quy định không cho phép các trường được công bố trước phương thức tuyển sinh nên đã gây khó cho nhà trường cũng như phụ huynh.
Ông Nguyễn Xuân Khang |
“Nếu Hà Nội không cho các trường tư được tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi vẫn sẵn sàng chịu kỷ luật để có lợi cho phụ huynh. Nếu các trường chủ động công bố phương án tuyển sinh sớm, học sinh sẽ được lợi để có hướng và thời gian ôn tập. Phụ huynh cũng có thời gian dài hơn để cân nhắc việc chọn trường phù hợp cho con mình. Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh xong học sinh vào lớp 1”, thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ.
Bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 – Tân Triều cho rằng, tự chủ nằm trong khuôn khổ nhất định thì không còn là tự chủ nữa. Điểm đặc biệt là trường tư thục phải tự lo về toàn bộ cơ sở vật chất, chi phí. Như vậy, để cạnh tranh với trường công lập thì trường tư thục yếu thế hơn.
Sở GD-ĐT Hà Nội quy định tự chủ tuyển sinh đồng loạt trong 2 ngày như vậy là tạo cánh cửa hẹp cho học sinh. Điều này sẽ quy định hẹp số trường học sinh có thể tham gia dự tuyển.
Đề cập nguyện vọng vào lớp 10, bà Văn Liên Na băn khoăn, học sinh chỉ có 2 nguyện vọng còn học sinh vào đại học có thể lên tới 29 nguyện vọng. Như vậy đã là tạo cánh cửa hẹp cho học sinh.
Ngoài ra, tiêu chí, phương thức tuyển sinh hiện được Sở GD-ĐT Hà Nội quy định là cùng thi tuyển môn Toán và bài thi đánh giá năng lực. Như vậy là chưa hợp lý bởi mỗi trường sẽ có một tiêu chí tuyển sinh riêng phù hợp với đào tạo của trường mình.
Địa phương có thể công khai phương thức tuyển sinh
Trước những băn khoăn, đề xuất của các trường tư thục, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm, các trường công lập có ngân sách Nhà nước rót xuống, có định biên giáo viên, có sẵn nguồn học sinh lúc nào cũng xếp hàng vào. Còn các trường ngoài công lập phải hoàn toàn tự lo từ xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng và đào tạo giáo viên, tự đi tìm học sinh và tự hạch toán thu-chi sao cho có thể tồn tại và phát triển.
Khi giáo dục ngoài công lập chưa có sự phát triển, quan điểm của phụ huynh học sinh chỉ tin tưởng vào trường công lập thì các trường lay lắt chờ đợi để đón những học sinh trường ngoài công lập thừa ra.
Ngày nay, khi quan điểm của phụ huynh học sinh thay đổi, xuất hiện nhiều loại hình trường và khối ngoài công lập khởi sắc hơn, có những trường chất lượng và uy tín thì phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn. Tùy theo quan điểm giáo dục, điều kiện kinh tế, đặc điểm tâm sinh lý của con mà họ chọn trường phù hợp.
Nhiều trường tư thục ở Hà Nội mong muốn thay đổi quy định tuyển sinh đầu cấp để thuận tiện cho nhà trường và phụ huynh hơn. |
Với trường ngoài công lập vận hành như một doanh nghiệp, các khoản thu-chi, mức đầu tư phải được xây dựng dự trù ngân sách từ sớm. Chính vì vậy, họ cần phải có sự chủ động về số lượng học sinh trước khi ký kết các hợp đồng về nhân sự và các dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu phải đợi đến thời điểm tuyển sinh chung thì có thể xảy ra 2 trường hợp: Quá tải hoặc là không tuyển đủ số lượng do bị phụ huynh bỏ rơi. Như vậy, nhà trường không chủ động được về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các khoản khác đi theo. Trong cả hai trường hợp khủng hoảng thừa hay thiếu đều ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường. Thừa mà không nhận thì rõ là thiệt thòi cho phụ huynh lại phải chạy đua từ trường này sang trường khác mà nhận thì lại không chuẩn bị được các điều kiện vì lớp quá đông hoặc mở thêm thì không kịp có giáo viên chất lượng...
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, các cơ quan quản lý nên cho phép các trường ngoài công lập được phép xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với đặc thù của trường. Còn Sở GD-ĐT có thể phê duyệt và công khai chỉ tiêu, quy trình, thời gian, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn, chi phí trên website của Sở và các trường.
Đối với các lớp đầu cấp từ cấp Tiểu học đến THPT, các trường ngoài công lập được phép tiến hành tuyển sinh từ tháng 3 hàng năm. Các trường được phép kiểm tra đầu vào lựa chọn học sinh phù hợp, nghiêm cấm hoàn toàn việc luyện thi vào các lớp đầu cấp./.