Nhiều thách thức bủa vây tân Tổng thống Hàn Quốc
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/5 tuyên bố sẽ nhanh chóng giải quyết tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Song song với đó, ông Moon Jae-in cũng đứng trước thách thức phải giải quyết nguy cơ rạn nứt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc có triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hay không.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Reuters) |
Trong bài diễn văn đầu tiên ở cương vị Tổng thống, ông Moon Jae-in nhấn mạnh: “Tôi sẽ cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh ngay lập tức. Tôi sẽ luôn tìm kiếm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Nếu cần thiết, tôi sẽ bay thẳng tới Washington, tới Bắc Kinh hay Tokyo và nếu điều kiện cho phép, sẽ tới cả Bình Nhưỡng. Tôi sẽ đẩy mạnh liên minh Mỹ-Hàn, sẵn sàng đàm phán với Mỹ, Trung Quốc bằng sự chân thành để giải quyết vấn đề THAAD”.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump nói rằng, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề phức tạp, nhưng có thể giải quyết. Mỹ muốn gia tăng sức ép đối với Triều Tiên thông qua các biện pháp cô lập và trừng phạt, nhưng điều này đi ngược lại chủ trương hòa giải với Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Moon Jae-in bày tỏ cách tiếp cận mềm dẻo hơn khi ứng xử với tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên so với những người tiền nhiệm. Điều này khiến người ta liên tưởng về một triển vọng cho sự quay trở lại của chính sách hòa dịu thời cựu Tổng thống Kim Dae-jung, vẫn được biết đến với tên gọi chính sách Ánh Dương. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến ít vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi ông Moon Jae-in bổ nhiệm 2 vị trí then chốt trong Nội các là những người từng có liên quan mật thiết với chính sách Ánh Dương.
Mặc dù thừa nhận cần phải áp đặt các biện pháp cấm vận và ngăn chặn Triều Tiên, song tân Tổng thống Hàn Quốc cho rằng các biện pháp này chưa đủ để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ việc phát triển chương trình hạt nhân. Đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là một phương án mà tân Tổng thống Hàn Quốc đặt lên bàn.
Thế nhưng, giới chức Mỹ lo ngại chủ trương hòa giải với Triều Tiên của ông có thể làm phương hại tới nỗ lực của Mỹ gia tăng sức ép lên Triều Tiên, bởi Mỹ sẽ vẫn theo đuổi đường lối cô lập và trừng phạt hòng làm suy yếu mọi nỗ lực phát triển công nghệ hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Thêm vào đó, chính quyền Mỹ cũng e ngại về việc ông Moon Jae-in có ý phản đối việc triển khai THAAD, nên nguy cơ xảy ra xích mích giữa hai đồng minh là điều có thể xảy ra.
Giới phân tích cho rằng, một mặt tân Tổng thống Hàn Quốc phải tìm giải pháp giải quyết ổn thỏa vấn đề THAAD để làm vừa lòng Mỹ, nhưng không gây mất lòng Trung Quốc, quốc gia vốn phản đối kịch liệt việc triển khai THAAD. Trung Quốc gọi THAAD là mối đe dọa đối với an ninh và tuyên bố sẽ trả đũa một số công ty Hàn Quốc làm ăn ở nước này.
Tân Tổng thống Moon Jae-in cho rằng quyết định cho triển khai THAAD là quá vội vàng và chính phủ cuả ông sẽ có tiếng nói sau cùng. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, việc rút khỏi thỏa thuận triển khai THAAD là rất khó bởi nó đã được triển khai một phần.
Như vậy, bên cạnh việc đáp ứng kỳ vọng hòa giải với Triều Tiên như mong đợi của cử tri, làm thế nào để làm dịu tranh cãi liên quan đến THAAD để tránh rạn nứt với 2 cường quốc Mỹ, Trung Quốc là bài toán không dễ có lời giải đối với nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc có tư tưởng tự do này./.