Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cơ sở, kích cầu tín dụng
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới |
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở, động thái này sẽ trực tiếp giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.
Giảm để kích cầu tín dụng
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã liên tục giảm sau các đợt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Kéo theo lãi suất cơ sở tại nhiều ngân hàng cũng giảm, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp “dễ thở” hơn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Đây cũng là mục đích mà Ngân hàng Nhà nước nhắm đến để tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và sau khủng khoảng kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa có thông báo điều chỉnh lãi suất cơ sở, với mức lãi suất cơ sở tham chiếu cho khách hàng cá nhân đối với các khoản vay bất động sản, ôtô, tiêu dùng thế chấp từ kỳ hạn 1 năm đến 5 năm là 8,8%/năm. Đối với các dự án, lãi suất cơ sở được áp dụng tại ngân hàng này từ 8,65%-9,25% (kỳ hạn từ 1 năm đến 5 năm). Lãi suất tham chiếu là 9%.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng vừa điều chỉnh giảm mức lãi suất cơ sở thêm 0,2%-0,5% áp dụng cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất.
Cụ thể, TPBank quy định lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng từ 9,75%-10,95%.
Còn với các khoản vay mới, TPBank đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6%/năm. Khi khi vay mua nhà, mua ôtô hay vay để kinh doanh, các khoản vay mới của khách hàng cá nhân đều được giảm từ 1-2%/năm lãi suất.
Trước đó Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở khá sớm với mức giảm 0,4% so với hồi đầu năm, áp dụng từ kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.
Như vậy sau khi giảm, lãi suất cơ sở ở kỳ hạn 1-3 tháng hiện được ngân hàng này niêm yết ở mức 6,3%; 4-6 tháng là 9,3%/năm; 7-9 tháng niêm yết ở 9,6%/năm; 10-12 tháng niêm yết ở 10%/năm. Mức lãi suất cơ sở 10%/năm cũng được áp dụng cho kỳ hạn trung dài hạn của ngân hàng này.
Đối với đồng USD, mức lãi suất cơ sở cũng được Sacombank niêm yết từ 0,2% đến 6% đối với kỳ hạn từ dưới 12 trở lên.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) cũng có mức điều chỉnh giảm tương tự.
Hiện lãi suất cơ sở niêm yết cho khoản vay thế chấp ngắn hạn của MSB là 10,1%/năm và lãi suất cơ sở cho khoản vay thế chấp trung-dài hạn là 11,1%/năm. Ngoài ra MSB cũng điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở đối với các khoản vay không có tài sản đảm bảo xuống 1%.
Còn ABBank quy định lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân là 11,2%/năm.
Được biết lãi suất cơ sở là lãi suất được sử dụng khi mức lãi suất ngân hàng cho vay xác định sau thời gian ngân hàng thực hiện điều chỉnh. Đây là mức lãi suất cần thiết trong suốt quá trình ngân hàng cho vay vốn. Và mức lãi suất này mang lại rất nhiều lợi ích cho những khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Do đó, lãi suất cơ sở giảm đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm sau kỳ điều chỉnh.
Tiết kiệm lao dốc, cho vay sẽ giảm thêm
Lãi suất điều hành giảm, lãi suất tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng cũng theo đó hạ nhiệt ở hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Công ty chứng khoán VnDirect, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng bình quân và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt 57 điểm cơ bản và 28 điểm cơ bản kể từ đầu tháng 5/2023 trong khi lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng quốc doanh giảm 80 điểm cơ bản ở kỳ hạn 3 tháng và 40 điểm cơ bản ở kỳ hạn 12 tháng.
Tính từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng bình quân giảm khoảng 100 điểm cơ bản trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân giảm khoảng 80 điểm cơ bản.
Sản xuất tại một doanh nghiệp. |
Trong tháng Năm, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,4 điểm % về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6% đến 8,2%/năm với mức trung bình khoảng 7,2%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với cuối tháng 4.
Trước những thuận lợi này, chuyên gia kinh tế Đinh Quang Hinh kỳ vọng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 6,5%-6,7%/năm vào cuối năm 2023. Các lý do cho kỳ vọng trên gồm nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất điều hành vào cuối năm 2023.
Các chuyên gia của SSI cũng nhận định lãi suất huy động có thể giảm thêm 50-100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024.
Đối với lãi suất cho vay, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết từ đầu tháng Sáu ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,3%-0,8%. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ năm TPBank thực hiện giảm lãi suất cho vay. Tổng chi phí lãi vay mà khách hàng được TPBank hỗ trợ ước tính lên tới 323 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho biết sau rất nhiều động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm. Số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.
"Chúng tôi tin tưởng rằng lãi suất đang giảm và tiếp tục giảm trong thời gian tới," ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, với các khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ nên Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo theo tinh thần của Thông tư 02 này để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vốn.
Đối với dư nợ mới, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tích cực cho vay nên doanh nghiệp, khách hàng nếu đủ điều kiện sẽ tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng.
Ngoài giải pháp từ phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do đó, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng./.