Nhà trường “trốn” báo chí và sự im lặng đáng sợ
Chưa có một tiếng nói nào từ nhà trường
Ngay từ khi nghi có thông tin phản ánh từ phụ huynh bé gái 7 tuổi trong nghi án bị xâm hại tại trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Thủ Đức, TPCM) - nơi bé đang theo học, phóng viên giáo dục ở TPHCM đã rất nhiều lần liên lạc với Hiệu trưởng và Trường phòng GD-ĐT quận Thủ Đức. Rất nhiều thông tin cần được nhà trường làm rõ hoặc chí ít họ phải lên tiếng trong sự việc xảy ra với chính học trò của mình và nhất là nghi vấn xảy ra ngay tại trường.
Vậy nhưng, mọi phương thức tiếp cận đều... không có kết quả. Nhiều lần phóng viên gọi điện, nhắn tin cho hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh, thầy Nguyễn Văn Cứng nhưng thầy không trả lời, hoặc cầm máy nhưng khi nghe giới thiệu phóng viên thì... cúp máy.
Lãnh đạo Trường tiểu học Lương Thế Vinh né tránh báo chi hoàn toàn khi có phụ huynh phản ánh con bị xâm hại tại trường |
Hiệu trưởng không tiếp, bảo vệ Trường tiểu học Lương Thế Vinh đuổi phóng viên đến liên hệ làm việc |
Phụ huynh ôm con đi cầu cứu khắp nơi, dư luận đang sục sôi nhưng nơi cần lên tiếng nhất là nhà trường, là hiệu trưởng thì... vẫn im lặng. Ngày 13/3, khi Hội Bảo vệ quyền trẻ TPHCM chính thức vào cuộc hỗ trợ chị C. theo đuổi vụ việc, nhiều phóng viên báo đài đến trường Tiểu học Lương Thế Vinh liên hệ gặp hiệu trưởng để làm rõ thêm nhiều nghi vấn.
Dù có mặt tại trường thời điểm đó nhưng hiệu trưởng tránh mặt, bảo vệ ra mặt “tiếp” phóng viên: “Muốn hỏi gì thì lên công an”.
Tại cuộc gặp gỡ chiều 13/3 giữa Công an Thủ Đức với báo chí về vụ việc bé N. nghi bị xâm hại vùng kín trong Trường tiểu học Lương Thế Vinh, có cả ông Dương Hoàng Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức và ông Nguyễn Văn Cứng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh. Tuy nhiên, các vị này im lặng từ đầu đến cuối buổi họp như họ đã im lặng từ khi phụ huynh phản ánh.
Kể cả khi báo chí đề cập trách nhiệm của nhà trường, của Phòng GD-ĐT thì đáp lại vẫn là sự im lặng. Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức lại đưa đề nghị các phóng viên không hỏi bất cứ câu hỏi này xoáy vào Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức và nhà trường.
Một báo cáo méo mó
Trong diễn biến sự việc đến thời điểm này, lần duy nhất Trường tiểu học Lương Thế Vinh và Phòng GD-ĐT Thủ Đức lên tiếng là bản báo cáo về sự việc vào ngày 11/3. Một bản báo cáo được cho là “cầm đèn chạy trước ô tô” khi khẳng định không thể có chuyện bé N. bị xâm hại tại trường như phản ánh của phụ huynh mà cho rằng bé bị té trong khi cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra.
Chưa kể, báo cáo này còn nhấn mạnh đến việc bé N. nói mình bị té mà không hề nhắc đến nguyên buổi sáng ngày 15/2, bé đã cùng cơ quan công an tái dựng hiện trường cảnh bị xâm hại theo lời kể của bé.
Bản báo cáo về vụ việc của Phòng GD-ĐT Thủ Đức che dấu nhiều thông tin liên quan đến sự việc và lại vội vàng kết luận... bé không bị xâm hại |
Báo cáo còn “khoe”: trước sự chứng kiến của bà C. - mẹ bé N., hình ảnh camera có liên quan được trích xuất cho thấy trong thời gian nghi vấn không có người lạ mặt nào mặt áo đỏ, quần đen xuất hiện như phản ánh.
Còn chi tiết quan trọng nhất là camera số 4 đúng vị trí của bé N. vào thời điểm bé kể mình bị xâm hại bị mất dữ liệu thì nhà trường không hề nhắc đến. Trong khi nó liên quan đến lời khai của bé và trách nhiệm của nhà trường. Cho dù trong buổi làm việc ngày 15/2, chị C. đã chất vấn thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Cứng về chi tiết này. Khi đó, theo chị C., ông Cứng không trả lời.
Cũng phải nói, sự việc xảy ra từ ngày 14/2, phụ huynh và cơ quan công an đã đến trường làm việc vào ngày 15/2 nhưng đến tận ngày 11/3, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, trường và Phòng GD-ĐT mới báo cáo sự việc lên Sở.
Chị C. khẳng định, từ khi xảy ra sự việc chưa một ai ở ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm hỏi thăm, động viên cháu bé con chị |
Thế nhưng sự im lặng của nhà trường với dư luận, với báo chí và cả với cấp trên... cũng không đáng sợ bằng sự im lặng với chính học sinh của mình. Từ khi xảy ra sự việc đến nay, chưa một ai ở trường học từ ban giám hiệu cho đến giáo viên chủ nhiệm, cô bảo mẫu liên lạc hỏi thăm, chia sẻ với học trò và phụ huynh.
Chị C. kể, trong tối 14/2 khi phát hiện con bị chảy máu, chị đã gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Hà hai cuộc nhưng cô Hà không nghe máy. Hôm sau, cô Hà cũng không hề gọi lại và cho đến nay, chị C. chỉ gặp lại cô chủ nhiệm một lần duy nhất vào hôm lên trường rút hồ sơ chuyển trường cho con.
Và cho dù nếu bé N. bị té đến chảy máu vào giờ nghỉ trưa tại trường như nhà trường thông tin, kết luận thì trách nhiệm của nhà trường ở đâu? Họ có đưa bé xuống phòng y tế hay đến bệnh viện gần nhất không?
Họ quay lưng lại với chính nỗi đau của chính học trò của mình mà lẽ ra trước những sự cố, nhà trường, giáo viên cần đứng bên học trò để tìm ra sư thật, đúng sai cũng cần rõ ràng.
Có những sự im lặng là vàng. Nhưng có những sự im lặng không chỉ là sự thiếu trách nhiệm mà là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn!