Nhà khoa học mở đường sản xuất thực phẩm phòng chống các bệnh mãn tính
PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM) là 1 trong 2 cá nhân được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 khi cùng nhóm nghiên cứu tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết ở mức trung bình và thấp - tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người.
PGS.TS Phạm Văn Hùng (44 tuổi) là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý”.PGS.TS Phạm Văn Hùng (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM) là 1 trong 2 cá nhân được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Ảnh: Thanh Hùng.
Công trình này nghiên cứu về mối liên quan giữa cấu trục phân tử của tinh bột gạo và khả năng tiêu hóa in vitro và khả năng sinh đường in vivo nhằm tìm ra cơ chế kháng lại sự thủy phân của tinh bột đối với hệ enzim tiêu hóa trong cơ thể người. Đồng thời nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc, chỉ số đường huyết của các loại tinh bột gạo ở Việt Nam khi tiến hành biến đổi cấu trúc của chúng bằng phương pháp vật lý sử dụng nhiệt và ẩm.
Bằng các phương pháp xử lý trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết ở mức trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.
Công trình được được đánh giá rất cao khi được chấp nhận công bố trên Food Chemistry là một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học, được SCIMAGO xếp hạng 9/273 trong Công nghệ thực phẩm và đã có được 21 trích dẫn trong giai đoạn từ 2016-2017.
Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa cả về mặt khoa học và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm và chuyên ngành Hóa hữu cơ.
PGS. TS Phạm Văn Hùng chia sẻ là niềm vinh dự khi năm nay được nhận một giải thưởng uy tín dành cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật.Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho PGS.TS Phạm Văn Hùng.
Công trình của anh xuất phát từ trăn trở khi Việt Nam có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như hàng ngàn các loại cây thuốc quý hiếm, trong khi đó tỷ lệ các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch, ung thư với người dân lại ngày càng trở nên trầm trọng.
“Do đó, với tôi, nhiệm vụ của một nhà khoa học trong lĩnh vực Sinh học nông nghiệp là phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu của mình để cho ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Giờ đây không chỉ được “ăn ngon, mặc đẹp” mà còn “ăn để khỏe, ăn để chữa bệnh”. Ở thời đại công nghiệp 4.0, người dân có quyền được biết thông tin về giá trị dinh dưỡng, về truy xuất nguồn gốc, về mức độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm”.
Nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu
Làm khoa học, bản thân anh nhận ra rằng mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc đều có một điểm chung là phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. “Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo”, anh nói.
Để có được kết quả ngày hôm nay, anh cho rằng một phần cũng nhờ được các đồng nghiệp, thầy cô, những người thân và bạn bè luôn tin tưởng và động viên để bản thân anh có thể chuyên tâm nghiên cứu.
Công trình nghiên cứu qua đó anh được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một trong những sản phẩm của đề tài nghiên cứu cơ bản được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NaFOSTED, tài trợ giai đoạn 2013-2015, do nhóm nghiên cứu hoàn toàn là người Việt Nam thực hiện.Anh kể, khi thực hiện các nghiên cứu thì bản thân cùng các đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tìm kiếm nguồn kinh phí. "Do đó để thực hiện được các vấn đề thực sự rất cần sự động viên, khuyến khích và hỗ trợ của các cơ quan quản lý và cộng đồng khoa học”, anh Hùng nói.
“Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc”.
Anh cũng mong muốn có những điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để có thể đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế.
PGS.TS Phạm Văn Hùng, sinh năm 1974 tại Thanh Hóa. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1998 và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường ĐH Phủ Osaka (Nhật Bản) chuyên ngành Hóa sinh ứng dụng năm 2005.
Anh tham gia các công trình nghiên cứu sau tiến sĩ theo học bổng JSPS (Nhật Bản) năm 2005-2007 và học bổng NSERC (Canada) năm 2008-2009. Anh công tác tại Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM) từ năm 2009 và được phong phó giáo sư năm 2014. Anh là người xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu dinh dưỡng thực phẩm tại Trường ĐH Quốc tế và đã có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu tìm cơ chế kháng tiêu hóa của các loại tinh bột nhằm sản xuất sản phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân tiểu đường, béo phì và người ăn kiêng. Anh cùng nhóm nghiên cứu đã công bố hơn 40 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục tạp chí ISI.