Nguyên Chủ tịch TP HCM lên tiếng về tấm bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm
Câu chuyện “tấm bản đồ 1/5000” khu đô thị Thủ Thiêm “bị mất hay là không có” nóng lên trong thời gian qua. Từng mảnh ghép của quá khứ lần lượt được xới lên. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm hiện nay không phải đơn thuần là “tấm bản đồ gốc” mà cái cần nhất là một cách giải quyết thấu đáo, công bằng, nhất là với những hộ đang bám trụ lại, sống trong điều kiện hết sức khó khăn, khổ sở.
Tấm bản đồ 1 phần 5000 do nguyên CT UBND TPHCM đưa ra. |
Sau khi chứng kiến nhiều luồng dư luận lẫn giả thiết khác nhau về tấm bản đồ gốc 1/5000, một số người trong cuộc đã chính thức lên tiếng. Trong đó có ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM, người ký tờ trình gửi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Thanh khẳng định với một số cơ quan báo chí là: “Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng không bao giờ có bản đồ nào khác nên tìm đâu ra. Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản chứ không bao giờ lập thêm bản đồ và ký vào đó”.
Một góc khu đô thị Thủ Thiêm.... |
Theo ông Thanh, TP HCM đã chuẩn bị rất kỹ từ năm 1992 và kết hợp với các bộ liên quan rất chặt chẽ, đặc biệt là Bộ Xây dựng khi lập đồ án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố làm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 và có 13 bản đồ đi kèm với đồ án.
Đó là các bản đồ tổng thể thành phố; Các bản đồ về Khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Hiện trạng kiến trúc đất xây dựng và thoát nước; Hiện trạng giao thông - cấp điện; Hiện trạng cấp nước; Tổng thể mặt bằng; Sơ đồ phân khu chức năng; Quy hoạch giao thông; Bản đồ chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng; Sơ đồ quy hoạch cấp nước; Sơ đồ quy hoạch cấp điện; Sơ đồ quy hoạch thoát nước bẩn; Quy hoạch xây dựng đợt đầu (khu Bắc); Quy hoạch chi tiết khu Bắc Thủ Thiêm…
Căn nhà chờ giải tỏa của bà Châu. |
Ông Thanh cho rằng, sở dĩ có nhiều đồn đoán, thắc mắc trong thời gian qua là do sau này, nhiều cán bộ không hiểu thủ tục hành chính thời đó, trả lời không chính xác, ấp úng nên gây hiểu lầm trong nhân dân, cả những người bị ảnh hưởng và người ngoài cũng thấy li kỳ: “Quyết định 367 của Thủ tướng không bao giờ có bản đồ nào khác mà ghi chú đi kèm với quyết định này. Thủ tướng không bao giờ ra quyết định có kèm theo bản đồ Thủ tướng kí kèm theo. Rồi tự mình bây giờ đẻ ra thủ tục hành chính, nói chuyện với dân cũng không nói rõ dẫn đến tự mình tạo ra việc người dân thắc mắc”.
Cũng theo nguyên Chủ tịch thành phố Võ Viết Thanh, những lần điều chỉnh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm sau này, nếu được Thủ tướng đồng ý thì hợp pháp còn nếu Thủ tướng không đồng ý hoặc thành phố không được uỷ quyền cho điều chỉnh là làm trái quy định của Nhà nước.
Ông Võ Viết Thanh cho rằng, những cựu lãnh đạo TPHCM cần phải lên tiếng về sự việc này kịp thời và vấn đề quan trọng bây giờ là phải giải quyết đền bù giải toả, tái định cư cho người dân.
Mặc dù trời nắng nhưng trong nhà nước vẫn nhếch nhác. |
Trở lại đường Lương Định Của, quận 2 hôm nay, chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều người dân đang “bám trụ” trong những ngôi nhà xập xệ, xuống cấp trầm trọng. Đây là con đường vốn là rốn ngập, nay lại càng thêm chìm sâu trong nước sau mỗi cơn mưa hay triều cường bởi xung quanh đã có nhiều con đường lớn, hiện đại mọc lên, dồn nước vào nơi này.
Gia đình bà Nguyễn Thị Châu, 78 tuổi, ở gần đoạn giao giữa đường Lương Định Của với đường Nguyễn Cơ Thạch, gần với cầu Thủ Thiêm hằng ngày vẫn sinh hoạt trong khu nhà lụp xụp ở phía sau, khi căn nhà phía trước sát mặt đường đã bị đập bỏ.
Bà Châu cho biết gia đình đã chuyển đến đây được hơn 30 năm, đất đai cũng đã chia cho 7 người con. Vì không đồng ý với mức đền bù quá thấp nên gia đình vẫn buộc lòng sống tại đây “được ngày nào hay ngày đó”. Đối diện với nắng nóng, nước ngập trong căn nhà cấp bốn xuống cấp, bà Châu mong muốn các cấp chính quyền xem xét giải quyết một cách thỏa đáng chứ ở đây quá khổ: “Mong ước Nhà nước làm sao cho công bằng. Trước kia về đây đổ ra bao nhiêu tiền bạc, xương máu thì phải đền bù cho xứng đáng mới đi được. Có chuyển đi đâu thì phải chuyển gần đây để con cháu tiện việc sinh hoạt, học hành. Chứ bám ở chỗ đất này cũng cực, khổ quá khổ”.
Đường Lương Định Của vẫn còn một số hộ dân bám trụ dù điều kiện sống xuống cấp . |
Câu chuyện về khu đô thị Thủ Thiêm không hề mới, bởi nó đã nhức nhối hàng chục năm qua. Rất nhiều người dân đã bỏ tiền bạc, công sức đi khiếu kiện khắp nơi từ TP HCM đến Trung ương. Và sau câu chuyện “tấm bản đồ”, nó lại được khơi lên và nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của nhiều thế hệ đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố.
Ông Phạm Hồng Giang, 77 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, nguyên Chánh văn phòng Công an Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói: “Chúng tôi thấy vụ Thủ Thiêm tương đối bức xúc. Việc đã xảy ra mấy chục năm rồi. Đề nghị Đảng, Chính quyền thành phố giải quyết sao cho thấu lý vẹn tình, nhìn thẳng vào sự thật, thấy khó khăn thực tế để giải quyết sao giảm bức xúc của nhân dân để tránh thiệt thòi với nhân dân”.
Theo nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Võ Viết Thanh, mục đích khi làm khu đô thị mới Thủ Thiêm là phát triển hiện đại, hài hòa với trung tâm thành phố cũ để trở thành một trung tâm thành phố hoàn chỉnh. Đặc biệt là phải để những người dân ở Thủ Thiêm lâu đời phải là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ khu đô thị mới này. Vì thế, chính quyền TP HCM cần nhanh chóng giải quyết những khúc mắc, tồn tại với tinh thần làm sao đảm bảo quyền lợi của người dân, không để nỗi gian truân, cơ cực của bà con mãi kéo dài./.