Khu đô thị Thủ Thiêm cần hạ tầng hơn là nhà hát 1.500 tỷ đồng
UBND TPHCM vừa trình HĐND thành phố về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng.
Nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có 2 khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự kiến, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam và khu vực Bắc Mỹ thì việc xây dựng nhà hát thời điểm này là chưa cần thiết.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam và khu vực Bắc Mỹ. |
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc có nên xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm hay không, bởi việc xây dựng nhà hát không phải là yếu tố quan trọng kích thích sự phát triển kinh tế ở Thủ Thiêm. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay chính là hạ tầng.
“Chúng ta có thể dùng ngân sách làm nhà hát để ưu tiên làm cầu đường bộ và hạ tầng trước. Hơn 1.500 tỷ đồng thì xây được vài cây cầu rồi, có cầu thì Thủ Thiêm sẽ phát triển nhanh hơn là có nhà hát. Khi có hạ tầng phát triển thì giá trị vùng đất Thủ Thiêm cũng sẽ tăng lên, nhà đầu tư sẽ tới đây để tìm kiếm cơ hội. Nếu Thủ Thiêm phát triển tốt thì thành phố có thể không cần tốn ngân sách để làm nhà hát, mà nhà hát có thể được xây dựng nhờ nguồn vốn xã hội hóa”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Cũng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chỉ nên xây dựng nhà hát khi hạ tầng của thành phố đã được hoàn chỉnh và ổn định.
Hiện nay, TPHCM còn gặp khá nhiều vấn đề về hạ tầng như ngập nước, thiếu bệnh viện, dự án Metro ngưng trệ, thiếu bãi đậu xe… nên việc xây nhà hát lúc này là chưa phù hợp. Ở các nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Pháp thì nhà hát cũng được xây dựng sau cùng.
Kiến trúc sư nhận định, việc chọn khu vực Thủ Thiêm để xây dựng nhà hát là phù hợp. Tuy nhiên, nếu đã làm nhà hát thì cần làm cho đáng vì TPHCM là đô thị lớn, có tốc độ phát triển mạnh mẽ và là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Nếu xây dựng nhà hát thì TPHCM cần làm quy mô, có khu biểu diễn cao cấp, trong nhà, ngoài trời đầy đủ. Để làm được nhà hát như vậy thì cần quỹ đất lớn từ 2-3ha.
Theo ông Nam Sơn, nếu TPHCM đã kiên quyết làm nhà hát thì nhà hát này cũng không nên chỉ có giao hưởng và nhạc kịch mà nên có thêm cải lương, chèo và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Điều này sẽ khiến nhà hát hấp dẫn hơn với nhiều đối tượng trong xã hội.
“Nếu kinh phí hạn hẹp thì TPHCM cũng không cần phải xây nhà hát ngay lúc này. Khi nào có kinh phí "rủng rỉnh" thì hãy làm cũng chưa muộn. Muốn làm thì phải làm cho đáng, cho đúng với tầm vóc phát triển của thành phố”, kiến trúc sư chia sẻ.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 sẽ là nơi xây dựng nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng. |
Được biết, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là người đã có 30 năm kinh nghiệm làm quy hoạch và kiến trúc ở nhiều nơi trên thế giới.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, quy hoạch Khu đô thị mới Filinvest, nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)…