Nghiên cứu tự động hóa hoàn toàn hệ thống phòng không tầm thấp
Cán bộ Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự kiểm tra chất lượng pháo sau cải tiến. Ảnh: Phương Hiền. |
Phóng viên (PV): Năm 2012, cụm công trình nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống SCADA đặc thù và xây dựng hệ thống pháo 37mm-2N tác chiến ngày và đêm của viện đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ. Từ đó đến nay, viện có thêm những kết quả nổi bật nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Phát huy thành tích đáng tự hào đó, thời gian qua, toàn viện đã nỗ lực phấn đấu và giành được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực tự động hóa, điều khiển, viện đã tập trung vào hướng nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, chế tạo các hệ thống điều khiển hỏa lực trên phương tiện cơ động, đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm được đưa vào trang bị, dùng thử như: Hoàn thành việc cải tiến và sửa chữa, nâng cấp hàng chục đại đội pháo phòng không 37mm-2N bán tự động tác chiến ngày và đêm trang bị cho các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (hiện nay viện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ, các sản phẩm này đã được đưa vào trang bị phục vụ huấn luyện và trực SSCĐ, hoạt động ổn định, được đơn vị đánh giá cao); nghiên cứu chế tạo thành công nhiều bộ sản phẩm khối khuếch đại ổn định cho tháp pháo xe tăng T54, T55 với chất lượng tốt. Viện tiếp tục nghiên cứu phát triển các hệ thống điều khiển hỏa lực, đặc biệt tập trung vào hệ thống điều khiển hỏa lực trên phương tiện cơ động, làm tiền đề để cải tiến và chế tạo mới các tổ hợp pháo phòng không-tên lửa cơ động tác chiến độc lập và trong đội hình (các hệ thống C3I, C4I)… Trong lĩnh vực phục vụ huấn luyện, diễn tập và SSCĐ, viện đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống mô phỏng huấn luyện đại đội pháo phòng không 37mm-2N cải tiến, hiện đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng rộng rãi; nghiên cứu lắp đặt và bảo đảm trang thiết bị cho 35 trường bắn của các đơn vị trong toàn quân, 1 trường bắn cấp sư đoàn của nước bạn Lào; chủ trì thiết kế kỹ thuật cho các dự án, nhiệm vụ phục vụ chỉ huy tham mưu, điều hành, nâng cao tiềm lực cho Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 9, Quân đoàn 2, Quân đoàn 4...
PV: Thưa đồng chí, để góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, thời gian tới viện sẽ tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu nào?
Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Một trong những mục tiêu chủ yếu của viện thời gian tới là nghiên cứu tiến tới tự động hóa hoàn toàn các hệ thống phòng không tầm thấp. Hiện tại viện đã nghiên cứu cải tiến thành công và đưa vào sử dụng thử đại đội pháo phòng không 37mm-2N tự động tác chiến ngày và đêm. Viện sẽ tiếp tục cải tiến toàn bộ số đại đội pháo phòng không 37mm-2N có trong trang bị của quân đội. Triển khai nghiên cứu, cải tiến đại đội pháo phòng không 57mm theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không-Không quân; nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống điều khiển hỏa lực cho tổ hợp ZSU23-4N trên cơ sở thiết bị quang điện tử. Tiếp tục phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống điều khiển hỏa lực cho tổ hợp phóng tên lửa phòng không tầm thấp tác chiến ngày và đêm”. Triển khai nghiên cứu đề tài thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát cảnh báo chống đột nhập...
PV: Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở viện?
Đại tá Nguyễn Trung Kiên: Kinh nghiệm và cũng là giải pháp để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trước hết là phải làm tốt công tác xây dựng lực lượng, phát huy tối đa khả năng, tâm huyết, chất xám của các nhà khoa học, đồng thời phải biết huy động sức mạnh tập thể. Theo đó, Đảng ủy, chỉ huy viện đã có nhiều chủ trương, cơ chế, cách làm phù hợp nhằm giải quyết hài hòa yếu tố lợi ích; động viên, khích lệ tính tích cực, tự giác của đội ngũ cán bộ. Trong thực hiện nhiệm vụ, chỉ huy các cấp có sự phân công cụ thể, tỉ mỉ, khoa học đến từng tập thể, cá nhân; thực hiện tốt công tác quản lý báo cáo theo định kỳ, đồng thời duy trì có hiệu quả hoạt động của hội đồng khoa học để phát huy sức mạnh tập thể trong giải quyết các khó khăn nảy sinh trong nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, viện cũng đã chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các vị trí chủ chốt, các chuyên gia có chuyên môn sâu. Hiện nay viện có 4 nhóm nghiên cứu chuyên sâu (nhóm thuật toán hệ thống; nhóm phần mềm; nhóm thiết kế phần cứng; nhóm cơ điện) để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khó.
Một nội dung cũng rất quan trọng là viện tiếp tục duy trì chặt chẽ “quy trình 6 bước” trong nghiên cứu khoa học. Cụ thể, phải trả lời các câu hỏi và thực hiện các bước: Tiêu chí ứng dụng của sản phẩm là gì? Ý tưởng, yếu tố khoa học, giải pháp kỹ thuật để giải quyết các vấn đề? Đánh giá nhu cầu thực tế tại đơn vị. Xây dựng phương án thực hiện ý tưởng. Đưa sản phẩm thử nghiệm tại đơn vị, lấy ý kiến đóng góp. Hoàn thiện sản phẩm, đưa vào trang bị.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!