Nghịch lý thị trường ô tô Việt Nam thuế giảm, giá xe tăng
Ô tô nhập khẩu không thể về nước vì vướng chính sách
Từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam liên tục giảm sút, nhiều mẫu xe rơi vào tình trạng “khan hàng” do các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được các quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được Chính phủ ban hành.
Trong đó, 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03 (Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116) mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất: Quy định về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài (VTA -Vehicle Type Approval); quy định thử nghiệm khí thải và an toàn theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường chạy thử đối với hoạt động sản xuất ô tô trong nước.
Những rào cản của chính sách này, khiến các doanh nghiệp phải mất một khoảng thời gian để đáp ứng. Vì vậy, trong những tháng đầu năm hoạt động nhập khẩu ô tô gần như bị “đóng băng”. Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn ở tình trạng “nhỏ giọt”.
Tính đến hết tháng 6/2018, số lượng doanh nghiệp có thể nhập khẩu về Việt Nam vẫn còn khá ít, mới chỉ có: Honda Việt Nam (HVN), GM Việt Nam, Toyota Việt Nam (TMV), Mitsubishi Việt Nam (MMV) và Ford Việt Nam. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ nhập được các mẫu xe từ thị trường Thái Lan, Indonesia. Còn lại những mẫu xe vốn được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn chưa có được có giấy chứng nhận VTA phù hợp với quy định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để có thể nhập xe.
Theo những báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 6/2018 cả nước chỉ nhập khẩu thêm 1.084 xe ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá hơn 30 triệu USD. Như vậy, tổng số xe ô tô nguyên chiếc được nhập về từ đầu năm lên 10.084 xe, có tổng trị giá đạt hơn 277 triệu USD.
Trong số xe nhập khẩu từ đầu năm đến nay, ô tô con dưới 9 chỗ đạt 7.551 xe, chiếm khoảng 75% tổng lượng ô tô nhập khẩu. Đáng chú ý, phần lớn lượng ô tô con được nhập khẩu về nước đều có nguồn gốc từ Thái Lan. Đây cũng là quốc gia nhiều năm liền dẫn đầu về lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Tính đến nay, lượng xe nhập khẩu sụt giảm tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước (đến hết 15/6/2017 cả nước đã nhập khẩu tới 46.793 xe ô tô các loại, trị giá lên tới gần 1 tỷ USD).
Xe lắp ráp lấn át xe nhập khẩu
Việc xe nhập khẩu không thể nhập về nước do vướng Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT giúp tạo cơ hội cho các dòng xe trong nước tăng trưởng những tháng đầu năm 2018.
Cụ thể, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2018, xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều hãng xe lắp ráp trong nước như: Trường Hải (Kia, Mazda, Peugeot), Toyota dù ít nhiều bị ảnh hưởng từ Nghị định 116 nhưng vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt ở mảng xe CKD (lắp ráp trong nước).
Theo bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam chia sẻ, trong 5 tháng đầu năm 2018 dù mảng xe nhập khẩu của TMV chịu ảnh hưởng từ Nghị định 116, nhưng, mảng xe CKD của Toyota Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tới 28% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến tháng 5/2018, đã có xấp xỉ 10.610 xe Vios và hơn 6.300 xe Innova được giao đến tay người tiêu dùng Việt.
Hay đối với doanh số của Thaco, tính đến hết tháng 5/2018, mức tăng trưởng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Với việc lắp ráp toàn bộ các thương hiệu: Mazda, Kia, Thaco Bus, Thaco Truck và 2 mẫu xe Peugeot, doanh số Thaco trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 42.438 xe (năm 2017 là 40.600 xe).
Hai thương hiệu Kia và Mazda do Thaco lắp ráp đều có doanh số bán hàng tốt trong tháng 5 và có mức tăng trưởng trên 10%; đặc biệt, các mẫu xe của Peugeot đã có sự tăng trưởng ấn tượng với doanh số 399 chiếc trong tháng 5/2018, tăng 17% so với tháng 4/2018 và 1.496% so với cùng kỳ năm ngoái…
Thị trường bị “làm giá”
Không thể nhập xe về nước, xe lắp ráp trong nước không đủ nguồn cung khiến thị trường ô tô Việt những tháng đầu năm 2018 rơi vào tình trạng “khan hàng”, cung không đủ cầu. Do đó, nhiều mẫu xe “hot” của thị trường đã bị các đại lý đội giá bán hoặc phải mua thêm phụ kiện để được lấy xe sớm, còn nếu không thì phải chấp nhận chờ đợi.
Ví dụ như, mẫu SUV Toyota Fortuner nhập khẩu từ Indonesia do chỉ còn hàng tồn từ những đợt xe nhập trước năm 2018 nên nhiều đại lý đã đẩy giá bán tăng từ 50 - 70 triệu đồng so với giá niêm yết. Hay có những thời điểm, khách hàng muốn mua xe còn phải mua thêm bộ phụ kiện theo xe có giá trị hơn 50 triệu đồng. Thậm chí, nhiều phiên bản Fotuner đã qua sử dụng còn được rao bán cao hơn cả giá xe mới được hãng niêm yết.
Hay, như mẫu Honda CR-V được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, do lượng xe nhập hạn chế, thị trường lại “khát xe nhập khẩu” nên nhiều khách hàng chập nhận mua thêm gói phụ kiện từ 20 – 50 triệu đồng để có thể lấy xe.
Xe nhập khẩu hưởng thuế 0% nhưng giá lại tăng
Sau nhiều tháng chờ đợi, những mẫu xe nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi 0% (theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) từ ASEAN cũng đã cập bến Việt Nam. Điều này mang tới nhiều niềm vui cho người tiêu dùng Việt khi “cơn khát” xe nhập khẩu phần nào được giải tỏa.
Đặc biệt hơn, đây đều là những mẫu xe hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% (trước đó là 30%), có nghĩa giá bán của xe có thể giảm hơn trước từ 15 – 20 % theo tính toán. Tuy nhiên, đến nay, khi xe của nhiều hãng đã về Việt Nam được bán ra và công bố giá bán nhưng mức giá không hề rẻ như mọi người mong đợi. Thậm chí, có nhiều mẫu xe còn có chiều hướng ngày càng tăng giá hoặc cao hơn so với năm 2017.
Trong đó, đáng chú ý là mẫu xe Honda CR-V – đây là một trong những mẫu xe nhập khẩu hưởng thuế ưu đãi 0% đầu tiên về Việt Nam sau khi bị “tắc” đường về do vướng Nghị định 116. Tuy nhiên, sau khi có động thái giảm giá các mẫu xe ô tô nhập khẩu nhờ được hưởng thuế 0%, mẫu xe này liên tục có những sự điều chỉnh giá bán vào đầu tháng 4 và tháng 7/2018 với mức tăng tổng cộng cho hai lần là 15 triệu đồng.
Khi chia sẻ về việc tăng giá bán, đại diện Honda Việt Nam cho biết, giá bán của các mẫu xe được điều chỉnh do sau khi tính toán lại các yếu tố ảnh hưởng từ việc nhập xe theo quy định mới của Nghị định 116.
Hay mới đây nhất, Toyota Việt Nam cũng đã công bố giá bán cho mẫu SUV Fortuner 2018 được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Đáng chú ý là mức giá bán của mẫu xe này lại có mức tăng đáng kể so với năm 2017.
Trong đó, Toyota Fortuner 2.4G 4x2 MT có giá bán 1,026 tỷ đồng thay vì 981 triệu đồng như trước đây (tăng 45 triệu đồng); Fortuner 2.7V 4x2 có giá mới là 1,15 tỷ đồng, thay vì 1,149 tỷ đồng như trước (tăng 1 triệu đồng).
Cùng với đó, một mẫu xe nhập khẩu khác của Toyota là Hilux cũng có mức tăng nhẹ so với năm 2017. Cụ thể, Toyota Hilux (nhập khẩu Thái Lan) sẽ được bán tại Việt Nam với 3 phiên bản khác nhau gồm: Phiên bản 2.4G 4x4 MT, có giá bán mới 793 triệu đồng (cao hơn trước đây 18 triệu đồng); 2.4E 4x2 AT MLM có giá bán 695 triệu đồng (cao hơn trước 22 triệu đồng) và phiên bản 2.8G 4x4 AT MLM mới, có giá bán 878 triệu đồng.
Theo hãng xe Nhật Bản, việc công bố giá bán cho các dòng xe này chủ yếu để khách hàng có thể ước tính chi phí cho việc mua xe và đăng ký chứ hiện tại xe cũng chưa có để giao. Việc giá bán tăng là do hãng đã xem xét tất cả các yếu tố và tác động đến thị trường để đưa ra mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, Toyota Fortuner 2018 còn nhận được một số cải tiến so với thế hệ trước.
Qua đây có thể thấy, giá bán của nhiều mẫu xe nhập khẩu dù được áp dụng thuế ưu đãi 0% nhưng để có mức giá rẻ là điều khá “xa vời” đối với người Việt. Điều này khiến cho không ít người tiêu dùng “vỡ mộng” ô tô giá rẻ.
Sự "bùng nổ" xe nhập khẩu?
Theo các chuyên gia dự báo, trong những tháng cuối năm 2018, thị trường ô tô sẽ có nhiều thay đổi trước sự "đổ bộ" của nhiều dòng xe nhập khẩu. Đặc biệt, trong đó có nhiều mẫu xe thuộc diện được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% (theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA). Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, anh Nguyễn Mạnh Cường – một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xe cho biết, những tháng cuối năm 2018 việc xe nhập khẩu "bùng nổ" là điều rất dễ xảy ra. Vì từ đầu năm, nhiều dòng xe nhập khẩu của các hãng rơi vào tình trạng không có xe để bán, trong khi nhu cầu lại rất cao, nên khi đã nhập được xe, việc nhiều hãng sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh để bù doanh số và tăng doanh thu là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng theo anh Cường nhận định, giá bán của nhiều mẫu xe nhập khẩu trong thời gian tới khó có thể giảm như kỳ vọng của người tiêu dùng Việt vì hiện tại “cơn khát” xe nhập khẩu vẫn còn đang rất cao. Những mẫu xe được các hàng đưa về Việt Nam đợt này vẫn chủ yếu là các mẫu xe đang được nhiều khách hàng chờ đợi mua từ năm 2017 như: Ford Ranger, Toyota Fortuner, Yaris… Vì vậy, để giảm giá ngay cho những mẫu xe này là rất khó. Nếu có giảm thì việc cung không đủ cầu cũng sẽ khiến nhiều đại lý tận dụng để đẩy giá bán hay áp dụng việc bán xe kèm phụ kiện như từng xảy ra với khách hàng mua Honda CR-V thời gian qua.
Bên cạnh đó, sau khi về nước, xe còn chịu tác động của nhiều loại thuế, phí liên quan khác với nhiều biến động lên mức giá cũng không thể giảm sâu.
Tuy nhiên, việc xe nhập khẩu về hưởng thuế 0% về nước một cách đều đặn cũng sẽ phần nào giúp thị trường dần ổn định. Đồng thời, điều này cũng sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Nếu muốn cạnh tranh thì phải đưa ra những mức giá hợp lý, nâng cao chất lượng, có nhiều chương trình ưu đãi đối với khách hàng…/.