Ngày làm việc thứ nhất, Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
Toàn cảnh kỳ họp |
Báo cáo tình hình phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 do UBND tỉnh trình bày cho thấy, trước những khó khăn, thách thức và tác động lớn từ dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong thực hiện các nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, nên các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội vẫn được bảo đảm.
Một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2021:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5%; cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (2,67%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước (5,64%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 361,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,65% so cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu đạt 13,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,5% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 2 Vùng thủ đô Hà Nội.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 7.500 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ, nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có thu ngân sách cao nhất cả nước.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7.525 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Đứng thứ 3 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch Chính phủ giao, đạt 60%.
Thái Nguyên cũng tiếp tục khẳng định năng lực điều hành của chính quyền trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ về cải cách hành chính với các chỉ số liên tục được cải thiện.
Năm 2020, kết quả xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2019; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đặc biệt, với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ đã góp phần quan trọng để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn diễn ra thành công, an toàn và theo đúng các quy định của pháp luật, với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt rất cao, qua đó bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, khẩn trương, chủ động và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Mai Phúc Toàn, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhận xét: “Chúng ta không những đã hạn chế, đẩy lùi từng bước dịch bệnh mà chúng ta còn tiến tới thực hiện tốt mục tiêu thứ 2 là phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội cho nhân dân Thái Nguyên. Kết quả hôm nay các số liệu đã chứng minh chúng ta đã đạt và vượt kế hoạch. Nó biểu hiện sự lãnh đạo sáng suốt, có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp”.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng cuối năm, như: một số dự án khởi công mới năm 2021 còn vướng mắc về quy trình, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công; Dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người lao động, nhất là các ngành dịch vụ, các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp; Nhu cầu sử dụng vốn đầu tư công của các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 là rất lớn, khả năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực còn hạn chế, khó đáp ứng được nhu cầu đầu tư để đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đồng chí Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Tình hình thu ngân sách phải gắn liền với tình hình dịch bệnh. Trước hết, là phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là điều hết sức quan trọng. Những cái gì thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn thì chúng tôi chủ động. Những gì vượt thẩm quyền chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên chủ động tháo gỡ. Tiếp đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành trong quản lý các khoản thu, đặc biệt là các khoản thu về đất”.
Đối với kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm của HĐND tỉnh do thường trực HĐND tỉnh trình tại kỳ họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 3 kỳ họp, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh và từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số, kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra vào tháng 5/2021 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 10 điểm cầu. Và từ kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XIV được tổ chức theo hình thức “Kỳ họp không giấy tờ”.
Hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện đúng quyền hạn theo quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ mới, nhất là, trong công tác thẩm tra phục vụ kỳ họp và hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp của HĐND tỉnh.