Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV
Toàn cảnh phiên họp |
Trong phiên thảo luận tại tổ vào ngày 07/12, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, đã có 75 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời thảo luận về các nội dung được trình tại kỳ họp và các nội dung liên quan khác. Cơ bản các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng và chất lượng của các văn bản; nhiều nội dung góp ý bổ sung, chỉnh sửa văn bản đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và điều chỉnh phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và các ý kiến thảo luận tại tổ, chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh và các thành viên Ủy ban giải trình, làm rõ 16 nội dung trên 9 nhóm lĩnh vực.
Trong đó, liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trên cơ sở phân tích, làm rõ nguyên nhân 4 chỉ tiêu gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP); tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu địa phương; GRDP bình quân đầu người/năm, không đạt kế hoạch năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 41 ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh.
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên: "Mục tiêu tăng trưởng GDP của tỉnh đạt ra là 7,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cả nước thì đang dự kiến là mức tăng trưởng từ 6 đến 6,5%. Đây cũng là thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng. như vậy thì mức tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,5 đã tính đến nhiều yếu tố kỷ vọng và cần phải tiếp tục phấn đấu để có thể hoàn thành chỉ tiêu này và để tăng trưởng của cả giái đoạn 2021-2025 là bình quân 8%/năm thì tăng trưởng của năm 2025 phải đạt được 12,6%. Chỉ tiêu này thì phụ thuộc rất lớn và tình hình phục hồi kinh tế chung và khả năng thu hút các cái nguồn lực đầu tư mang tính đột phá".
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực lớn, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên dự kiến vẫn sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, với 20.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch giao. Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 19.515 tỷ đồng, (thấp hơn kế hoạch năm 2023).
Ông Đỗ Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên: "So với mục tiêu thu năm 2023 thì dự toán năm 2024 không tăng do các nguyên sân sau đây: Một là, đối với các khoản thu từ xuất nhập khẩu do cơ quan Hải quan thực hiện thì dự toán năm 2024 được Bộ Tài chính giao là 2.500 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với mục tiêu thu của năm 2023. Hai là, đối với các khoản thu nội địa do cơ quan thuế trực tiếp quản lý, kinh tế tăng trưởng khiêm tốn hơn dẫn đến chỉ tiêu thu ngân sách dự kiến đạt thấp hơn so với thực hiện năm 2023, đặc biệt năm 2024 có một số khoản thu không có được như năm 2023. Như vậy nếu loại trừ các yếu tố chính nêu trên thì dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ xổ số thì sẽ tăng là khoảng 9%, trong khi chỉ thị của Thủ tướng là tăng từ 5% đến 7%".
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: "Qua ý kiến của đồng chí Cục trưởng Cục thuế là con số tuyệt đối thì có giảm, nhưng mà tốc độ tăng thì vẫn là 9%, có nghĩa là chúng ta cũng phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể đạt được chỉ tiêu này và nguyên nhân thì chủ yếu là một phần do thực tế của tỉnh và một phần do cơ chế chính sách, đặc biệt là chủ trương của Trung ương, khi mà giảm các sắc thuế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân thì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cái nguồn thu của tỉnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn nói thường xuyên đó là: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, khi doanh nghiệp khó khăn thì chính quyền cũng phải chia sẻ nó liên quan đến chính những cái yếu tố như thế này".
Các đại biểu biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp |
Về dự thảo quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố; số lượng, mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ đã giải trình, làm rõ lý do một số chức danh chưa được hưởng hoặc chưa được nâng mức phụ cấp theo dự thảo nghị quyết lần này và giải pháp để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận và phù hợp với yêu cầu công việc tại cấp xã và xóm, tổ dân phố hiện nay khi nghị quyết được thông qua. Đối với nội dung này, đại biểu HĐND tỉnh nhấn mạnh, tác động của nghị quyết tới gần 31 nghìn cán bộ ở cơ sở, đồng thời đề nghị cơ quan chuyên môn cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện nghị quyết.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách, chỉ tiêu tuyển dụng biên chế sự nghiệp năm 2024 theo quyết định của Ban Tổ chức Trung ương, theo đề nghị của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ đã giải trình làm rõ việc triển khai của tỉnh; đồng thời báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quyết định số lượng hợp đồng theo Nghị định 111.
Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên: "Thực hiện hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định số 111 - tổng hợp nhanh số liệu từ đến thời điểm mùng 01/12/2023 hiện nay thì đã có 5 cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện xét tuyển hợp đồng lao động, bao gồm Sở GD&ĐT, UBND thành phố Thái Nguyên, UBND thành phố Phổ Yên, UBND thành phố Sông Công, UBND huyện Đồng Hỷ. Huyện Võ Nhai thì theo kết quả hiện nay có 597 người đã được trúng tuyển và ký hợp đồng với các đơn vị. Hiện nay các cơ quan đơn vị cũng đang triển khai xây dựng kế hoạch tuyển dụng và tổ chức xét tuyển, dự kiến đến ngày mùng 01/01/2024 thì cơ bản các đơn vị sẽ hoàn thành việc nhận hồ sơ xét tuyển và công nhận kết quả xét tuyển".
Đối với dự thảo quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh quản lý, trên cơ sở ý kiến đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh về việc xem xét không thu khoản thu dịch vụ bán trú “Quản lý, chăm sóc trẻ, học sinh buổi trưa đối với bậc mầm non” đối với những trường mầm non đã được bố trí đủ định mức giáo viên theo quy định, Giám đốc Sở GD&ĐT đã làm rõ nội dung này và việc triển khai Nghị quyết sau khi được ban hành, đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, dân chủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên: "Thực tế lao động của giáo viên mầm non là 11 giờ một ngày, mà phải hai cô đồng thời dẫn đến sẽ là 22 giờ, lệch 4,4 giờ lao động. Hiện nay là có 29 tỉnh cũng đã ban hành các cái Nghị quyết và đưa nội dung này vào để hỗ trợ việc làm thêm giờ của giáo viên mầm non, trong nghị quyết cũng đã thể hiện rõ là trước khi thực hiện, các cơ sở giáo dục phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản đảm bảo đúng, tính đủ bù đắp chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh và chỉ được thu sau khi có sự thống nhất bằng văn bản đối với hội đồng trường với ban đại diện cha mẹ học sinh và được cơ quan quản lý trực tiếp theo phân cấp phê duyệt các nội dung"./.