Ngành sư phạm đang đối mặt với 3 bài toán khó
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý CSGD, Giám đốc chương trình phát triển các trường sư phạm đã đưa ra 3 bài toán mà ngành sư phạm đang gặp phải và cần giải quyết sớm.
Thứ nhất, là bài toán về năng lực đào tạo lớn, vượt quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của đội ngũ GV ở các trường mầm non, phổ thông (thực tế, nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm; cơ cấu GV có sự mất cân đối giữa một số môn học, bậc học, các vùng miền; số lượng GV dư dôi ở cấp THPT, THCS, nhưng còn thiếu ở giáo dục mầm non, ở một số môn đặc thù của giáo dục phổ thông, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; năng lực nghề nghiệp của nhiều GV chưa đáp ứng những yêu cầu đổi mới của giáo dục, nhất là các năng lực nghề nghiệp của nhiều GV chưa đáp ứng những yêu cầu đổi mới của giáo dục, nhất là các năng lực nghề nghiệp và các kĩ năng mềm...).
Thứ hai, là bài toán về số lượng các trường quá nhiều mà năng lực đào tạo bồi dưỡng và sự kết nối giữa các trường sư phạm với nhau và giữa các trường sư phạm với các đơn vị liên quan (cơ quan quản lý GD, các trường phổ thông) chưa chặt chẽ, chưa tạo thành 1 chuỗi cung ứng nguồn nhân lực GD có chất lượng (thực tế hiện nay, quy mô mạng lưới các trường sư phạm đã quá nhiều, phân tán dàn trải trên khắp các tỉnh thành, thiếu kết nối trong quy hoạch đào tạo giáo viên ở các ngành học, bậc học; nhiều trường sư phạm chuyển đổi sang đa ngành hoặc nâng cấp từ cao đẳng lên đại học phát trienr trong tình trạng thiếu ổn định....).
Thứ ba, là bài toán nâng cao năng lực cho chính các trường sư phạm. Hiện nay, CSVC chưa đáp ứng đổi mới đào tạo bồi dưỡng; thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ giảng viên có chất lượng cao, năng lực nghề của nhiều giảng viên sư phạm chưa tốt; còn khoảng vênh giữa nội dung chương trình và phương thức đào tạo GV ở các cơ sở đào tạo với những yêu cầu mới và thực tiễn của nhà trường mầm non, phổ thông do chậm thay đổi so với những yêu cầu đổi mới GD và của thực tiễn giáo dục mầm non, phổ thông trong bối cảnh có nhiều thách thức, tác động khác từ những mặt trái của cơ chế thị trường, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài, tâm lí hướng ngoại trong đào tạo nghề và sự thờ ở của một bộ phận thanh niên với nghề sư phạm.
Muốn giáo dục phát triển, trước hết cần có đội ngũ thầy cô có chất lượng tốt |
Cần có điều tra tổng thể, dự báo về số lượng đào tạo sư phạm
GS,TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các nước trong khu vực có số trường đào tạo sư phạm khá ít và đòi hỏi rất cao đầu vào.
Đối với nước ta, điều này ngược lại. Vì vậy, muốn giáo dục phát triển, trước hết cần có đội ngũ thầy cô có chất lượng tốt, theo GS Minh giải được bài toán này thì phải sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc. Việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị của tầm vĩ mô và sự đồng thuận của các đơn vị.
Không tập trung giải quyết vấn đề thì khó nâng cao chất lượng đội ngũ và hệ quả là khó phát triển giáo dục đất nước. Mặc khác, giải quyết được khâu này sẽ có điều kiện đầu tư tập trung, có trọng điểm, tránh được dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Theo GS Minh, cần thay đổi cơ chế tài chính trong đào tạo, tài chính tính theo chương trình đào tạo chứ không tính trên đầu sinh viên, đây chính là thay đổi quan trọng hạn chế sự tăng chỉ tiêu ồ ạt của một số trường
GS Minh cho rằng, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội thông qua điều tra tổng thể và dự báo về số lượng. Đây là cơ sở quan trọng để cam kết đầu ra của các trường đại học. Đào tạo mở, chúng ta phải chấp nhận sự chuyển đổi nghề nghiệp trong quá trình đào tạo hay trong quá trình hoạt động. Tìm giải pháp tài chính tối ưu thay vì miễn học phí như hiện nay. Bản thân các trường đại học sư phạm cần chủ động và thay đổi quyết liệt về chương trình đào tạo, mô hình đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế và khả thi với điều kiện Việt Nam.
Nói về đổi mới hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên Việt Nam hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH QGHN, hệ thống cơ sở đào tạo GV (CS ĐTGV) ở Việt Nam đang hoạt động với cơ chế quản lý song hành của nhà nước, hệ thống CS ĐTGV được xác lập theo phạm vi quản lý hành chính Nhà nước từ TƯ đến địa phương theo mối quan hệ ngành dọc giữa Bộ, Sở, Phòng GD và quan hệ ngang giữa các CS ĐTGV cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp đào tạo GV tùy thuộc vào trình độ khác nhau từ TC lên CĐ đến đại học và sau đại học.
GS Lộc cho rằng, trong bối cảnh phát triển mới, một hệ thống vận hành với cơ chế như vậy đã bộc lộ những bất cập, nhất là khi chúng ta đang phân cấp quản lý đào tạo giáo viên cho các cơ sở đào tạo, tính hệ thống bị phá vỡ từ đầu vào đến quá trình đào tạo đến đầu ra. Thiết nghĩ cần sớm có sự điều chỉnh.
GS Lộc đề nghị cần có cơ quan điều hành, quản lý toàn bộ hệ thống CS ĐTGV do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định bổ nhiệm. Trong hệ thống này, với khái niệm CS ĐTGV đã bao gồm cả chức năng đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục nên không cần có hệ thống con ở các cấp địa phương.
Bên cạnh đó, hiện không còn đào tạo GV trình độ trung cấp nên phải thay đổi quan niệm giáo viên dạy bậc Mầm non, Tiểu học không cần trình độ cao. Trình độ tối thiểu của GV mầm non là Cao đẳng; trình độ tối thiểu của GV tiểu học là đại học. Hai loại GV này đều được đào tạo đào tạo theo mô hình đồng thời: Chú trọng nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ sư phạm chăm sóc ngay từ đầu.
Ngoài ra, theo GS Lộc nên có cấu trúc hệ thống CS ĐTGV theo nhóm ngành đào tạo, đây là cấu trúc quan trọng, giải quyết vấn đề liên quan đến phát triển chương trình đào tạo, liên kết biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học của từng lĩnh vực chuyên sâu. Cấu trúc hệ thống có thể theo quan hệ địa lý, phản ánh quan hệ đặc điểm văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Với đặc trưng này, hệ thống CS ĐTGV có thể chia theo vùng lãnh thổ được Nhà nước quy định.