Nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch
Từ năm 2015, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung xóm Lân Đăm đã được đầu tư, xây dựng, với kinh phí trên 200 triệu đồng, phục vụ hiệu quả đời sống và sản xuất của người dân.

Nếu như trước kia, trên 20 hộ dân, với gần 100 nhân khẩu của xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ phải sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, thì từ năm 2015, công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy tập trung xóm Lân Đăm đã được đầu tư, xây dựng, với kinh phí trên 200 triệu đồng, qua đó, mang lại niềm vui lớn cho bà con xóm người Mông nơi đây.

Bà Lý Thị Dinh, xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Trước đây, không có nước, nhà nào muốn có nước dùng phải đi bộ gánh nước từ dưới khe suối, xa và nặng lắm. Từ khi có công trình, nước sạch về tận nhà, dùng thoải mái, bà con cũng có nước để chăn nuôi, trồng trọt".

Ông Khúc Kim Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Công trình rất hiệu quả, đã nâng cao đời sống của bà con nhân dân; bà con có nguồn nước sinh hoạt tại nhà ổn định, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất; đặc biệt là sức khỏe của người dân được nâng cao".

Nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch
Thông qua lồng ghép nhiều nguồn vốn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 254 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Thông qua lồng ghép nhiều nguồn vốn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 254 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 25 công trình, còn lại là do UBND cấp xã, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác quản lý. Nhờ đó, đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bà Đào Thị Tâm, Bí thư chi bộ xóm Cây Thống, xã Đức Lương, huyện Đại Từ cho biết: "Người dân rất hài lòng về chất lượng nước của công trình".

Hiệu quả của hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước là rất rõ ràng và thiết thực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác khảo sát thiết kế và quản lý, vận hành, giám sát sau đầu tư các công trình. Bởi thực tế, qua các chương trình khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh và các ngành chức năng liên quan cho thấy, số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung kém bền vững, thậm chí là không hoạt động chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tính riêng huyện Võ Nhai, địa phương được đầu tư số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhiều nhất tỉnh, tỷ lệ này hiện chiếm trên 90%.

Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, huyện Võ Nhai nhấn mạnh: "Xây dựng xong công trình đã bàn giao cho nhân dân quản lý và sử dụng; lúc đó chưa có cơ chế chặt chẽ. Do vậy, quá trình sử dụng cũng chưa có ý thức để nâng cao trách nhiệm bảo quản công trình công cộng tập trung. Công trình này đã bị hư hỏng nặng từ năm 2012, 2013, không sử dụng được".

Ông Dương Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai thông tin: "Có 2 nguyên nhân là đa số các công trình bàn giao nhỏ lẻ cho địa phương trực tiếp là các xóm, thôn, bản quản lý, không có chuyên môn để quản lý các công trình cấp nước. Cùng với đó, giá nước nông thôn ở địa bàn Võ Nhai là người dân tự quản lý nên tự xây dựng phương án để thu tiền; giá thu hiện nay còn thấp nên thu không đủ bù chi phí hoạt động sửa chữa các công trình bị hư hỏng".

Theo dự kiến, Dự án Cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025 sẽ đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng lưới 23 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Dự án tiếp tục cho thấy sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên tới công tác đảm bảo nước sạch và hợp vệ sinh ở vùng nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, để hơn 108 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ dự án thực sự phát huy hiệu quả, rất cần các giải pháp cụ thể hơn nữa từ các ngành chức năng, qua đó, góp phần tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư và làm giảm niềm tin trong nhân dân./.