Mỹ - Nhật khẳng định sẽ bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Ngày 17/8, tại thủ đô Washington, Mỹ đã diễn ra hội đàm Ủy ban tham vấn an ninh Mỹ-Nhật trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang nghiêm trọng liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Đây là cuộc hội đàm theo cơ chế 2+2 lần đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Phiên hội đàm theo cơ chế 2+2 vừa diễn ra tại Mỹ có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và người đồng cấp Nhật Bản, Ngoại trưởng Taro Kono, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera. Trong cuộc họp báo sau hội đàm, giới chức Mỹ và Nhật Bản cho biết, trọng tâm chính trong thảo luận là tìm kiếm giải pháp đối phó với nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Mattis khẳng định, Mỹ sẽ có các hành động cụ thể và ngay lập tức bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nếu hướng về lãnh thổ của Mỹ hoặc đồng minh. (Ảnh minh họa: KCNA). |
Theo Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, bên cạnh gây sức ép về ngoại giao và kinh tế, hai nước cam kết thúc đẩy sức mạnh liên minh nhằm răn đe và đáp trả mối đe dọa này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nếu nước này có hành động tấn công quân sự nhằm vào Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ tại khu vực: “Trước tình hình nghiêm trọng mà chúng ta phải đối mặt, chúng ta phải đẩy nhanh việc thực hiện Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật ký kết năm 2015, tiếp tục tái bố trí lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam”.
Ông Mattis khẳng định, Mỹ sẽ có các hành động cụ thể và ngay lập tức bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nếu hướng về lãnh thổ của Mỹ hoặc đồng minh. Về phía Nhật Bản, Ngoại trưởng Kono cho biết, Tokyo sẽ tăng cường vị thế quốc phòng để đối phó với Triều Tiên thông qua việc mở rộng vai trò của mình trong liên minh với Mỹ.
Bên cạnh tìm kiếm giải pháp đối phó với Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước, trong cuộc hội đàm lần này, Mỹ và Nhật Bản cũng thảo luận về một số vấn đề an ninh khác của khu vực, trong đó nổi bật là môi trường an ninh hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Về Biển Đông, hai bên nhấn mạnh quan ngại trước các diễn biến phức tạp hiện nay và tái khẳng định quan điểm phản đối các hành động ép buộc đơn phương của các bên tuyên bố chủ quyền, trong đó có cả việc bồi đắp và quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.
Ngoại trưởng Tilerson cho biết: “Chúng tôi phản đối việc quân sự hóa trên Biển Đông. Tranh chấp lãnh hải phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và đảm bảo quyền tự do đi lại theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982”.
Theo đánh giá ban đầu, phiên hội đàm của Ủy ban tham vấn an ninh Mỹ - Nhật lần này có mục tiêu chính là vạch ra đường hướng hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các nguy cơ hiện hữu và đang nổi lên, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. Đây cũng là phiên hội đàm đầu tiên giữa hai nước theo cơ chế 2+2 sau khi bị gián đoạn vào năm 2016./.